Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (Diễn đàn Make in Việt Nam) chính thức diễn ra sáng nay (8/12). Sự kiện do Bộ TT&TT tổ chức và là một trong những sự kiện thường niên lớn nhất của ngành công nghệ số Việt Nam, với vai trò dẫn dắt, định hình đường hướng phát triển của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số.

Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam đã trải qua chặng đường dài kể từ những ngày CNTT mới còn sơ khởi và có thể tự tin hơn để bước những bước tiếp theo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Ảnh: Nhật Sinh

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã thông qua chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030 tầm nhìn 2045. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, nước ta phải tăng trưởng 7%/năm. Phó Thủ tướng cho biết, để thoát bẫy thu nhập trung bình thấp chúng ta phải như vậy. Việc này không đơn giản,  không duy ý chí nhưng phải có những giải pháp rất đặc biệt, những khát vọng mãnh liệt, những khát vọng mà trong cộng đồng CNTT 20 năm trước đã từng có.
 
“Chúng ta phải khơi dậy khát vọng mãnh liệt trong tất cả xã hội, giống như khát vọng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Bây giờ là khát vọng phải thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, dứt khoát Việt Nam không thể nghèo mãi. Khi đã thành khát vọng thì phải ra những sức mạnh, động lực mới. Ở đây có thể cách làm mới, xung lực mạnh mẽ hơn”, Phó Thủ tướng nói.
 
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh các vấn đề phải giải quyết. Cụ thể là: Thay đổi thể chế, các vướng mắc từ các thông tư, Nghị định, luật pháp phải thay đổi mạnh mẽ.
 
Cần phải tập trung hơn vào nhân lực. Đây là câu chuyện được nhắc đến nhiều trong lĩnh vực CNTT. Với mục tiêu 1 triệu nhân lực CNTT, phải có những giải pháp đặc biệt và đột phá mới trong đào tạo, nếu không thì không thể thực hiện được. Chẳng hạn, đại học số là giải pháp quan trọng nhưng cần lưu ý, không thể duy trì các quy định đào tạo như trước đây. 
 
Phải tìm ra cái mới, còn dư địa tăng trưởng. Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay nhiều người kỳ vọng vào chuyển đổi số, vào công nghiệp CNTT và truyền thông. Nếu cứ phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ mà không đi vào các mũi nhọn mới của thế giới, trong đó có CNTT thì không thể đạt mục tiêu tăng trưởng 7%/năm. 
 
Theo Phó Thủ tướng, CNTT là một trong những lực lượng đặc biệt quyết định sự thành bại trên chiến trường trong cuộc chiến chống nghèo đói.

“Mục tiêu đặt ra đến năm 2030 là kinh tế số chiếm 30% GDP. Đây là con số thách thức nhưng chúng ta có thể làm được. Chúng ta chỉ còn 7 – 8 năm thực hiện mục tiêu và chúng ta không thể không làm. CNTT là một trong những lực lượng quyết định liệu Việt Nam có đi nhanh được đến vậy không”.

Ông cũng khẳng định: “CNTT vẫn còn dư địa phát triển lớn. Đây chính là cơ sở cùng thống nhất để dám đặt ra mục tiêu lớn. Chúng ta còn dư địa nhưng không được quá mơ mộng, chúng ta chỉ có thể biến nó thành hiện thực bằng các hành động thật”.
 
Công nghiệp CNTT đã có vị trí quan trọng. Doanh thu năm qua đạt 135 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt 130 tỷ USD, nhưng chủ yếu là phần cứng và của các doanh nghiệp FDI. Trong khi xuất khẩu phần mềm, dịch vụ và nội dung số chỉ đạt khoảng 5%. Đến nay, Việt Nam có khoảng 65.000 doanh nghiệp, nhưng doanh thu chỉ khoảng 5 tỷ USD, trong đó nằm chủ yếu ở các doanh nghiệp lớn.
 
“Tôi mừng khi hôm nay thấy có thêm nhiều doanh nghiệp mới, đột phá tham gia các gian hàng triển lãm. Ngoài các doanh nghiệp lão làng, có vai trò định hướng, dẫn dắt ban đầu, cần cùng nhau tạo sân chơi, đoàn kết tạo thành sức mạnh. Chúng ta mạnh dạn hơn để bước ra nước ngoài với tinh thần tự tin. Phải kết nối cùng nhau để thành một đội ngũ chứ không thể đi ra ngoài một cách đơn lẻ”, Phó Thủ tướng nói.
 
Trong khi đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý cũng cần xác định là dư địa thị trường trong nước vẫn còn rất lớn. Với thị trường trong nước cần phải đặt ra các bài toán thật cụ thể và làm đến cùng, hoàn thiện sản phẩm để người dùng không phải bận tâm và nghi ngờ.
 
"Thị trường nước ngoài là vô tận, vậy thì chúng ta phải cùng nhau, phải thay đổi cách làm, cách đi. Nhưng dù là trong nước hay ngoài nước thì phải hình thành đội ngũ. Tôi mong muốn các hiệp hội phát triển mạnh hơn và làm đúng vai trò của mình. Các doanh nghiệp nòng cốt cần cùng nhau, bằng danh dự những người đi đầu, bước thẳng vào kỹ thuật số, mở đường cho đổi mới. Bước sang giai đoạn mới phải phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn. Lịch sử lại giao cho giới CNTT sứ mạng là một trong những mũi nhọn mở đường trong sự nghiệp đưa đất nước thoát nghèo và người dân phải sống hạnh phúc hơn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Bộ TT&TT nhận sứ mệnh dẫn dắt lĩnh vực công nghiệp công nghệ số 

Phát biểu đáp từ sau ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long chia sẻ, Bộ TT&TT thay mặt cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số cảm ơn và tiếp thu các ý kiến chỉ đạo sát sao của Phó Thủ tướng. Các định hướng này là kim chỉ nam nhưng cũng là sự cổ vũ, khích lệ cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số.

Theo đó, Bộ TT&TT sẽ xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để thực hiện các ý kiến chỉ đạo. Với khát vọng lớn, doanh nghiệp công nghệ số sẽ tiên phong nhận nhiệm vụ này. Để đạt mục tiêu của đất nước vào năm 2045, phải làm những việc phi thường, dựa trên đổi mới sáng tạo, và công nghệ số chính là động lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo - đổi mới sáng tạo bằng công nghệ số. 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long phát biểu đáp từ. Ảnh: Nhật Sinh

Thay đổi thể chế, để thể chế bảo đảm cho những việc làm mới đó đúng theo quy định của pháp luật. Bộ TT&TT cũng sẽ đồng hành cùng Bộ GD&ĐT trong vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, sẽ dùng công nghệ số để đào tạo nguồn nhân lực số.

Cộng đồng công nghệ số cam kết sẽ tập trung nỗ lực phát triển, thực hiện công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Tiếp tục khai phá thị trường trong nước nhưng đổi mới cách làm, chuyên nghiệp và chất lượng. Lấy thị trường trong nước làm bàn đạp để đi ra nước ngoài. Đồng thời, mạnh dạn bước ra nước ngoài, tiến hành đội ngũ đông và có các doanh nghiệp chủ lực dẫn dắt. 

“Bộ TT&TT sẽ tiếp tục có những hoạt động dẫn dắt, định hướng lĩnh vực công nghiệp công nghệ số phát triển bền vững, với tư tưởng xuyên suốt là các sản phẩm Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam làm chủ công nghệ, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu cao nhất là giúp cho người dân hạnh phúc và đất nước phát triển”, Thứ trưởng Phạm Đức Long chia sẻ thêm.