Một vụ việc điển hình của giang hồ tín dụng đen vẫn còn lộng hành tại TP.HCM là đầu tháng 6 này, Công an quận Bình Tân đã mời làm việc, bắt giữ 9 nhóm đối tượng cho vay nặng lãi hoạt động trên địa bàn.

Vụ việc xuất phát khi một hộ dân ở phường Tân Tạo bị những kẻ lạ khủng bố, gây áp lực đòi nợ bằng cách tạt sơn vào nhà.  Đáng nói, chủ gia đình này khi trình báo công an cho biết, bản thân không nợ nần nhưng em gái tên Đ. có vay nặng lãi của nhiều nhóm người khác nhau.

Vào cuộc điều tra, công an đã mời làm việc, bắt giữ 9 nhóm người đã cho chị Đ vay nặng lãi. Trong đó,  có nhóm Bùi Văn Vương (30 tuổi, quê Hòa Bình) gây ra vụ tạt sơn. Sau khi làm rõ, Công an quận Bình Tân bắt khẩn cấp đối với Vương, làm rõ hành vi của một số đàn em và đồng thời chuyển giao sự việc của những băng nhóm liên quan cho công an các quận, huyện khác để mở rộng điều tra, xử lý.

Quán Phở Hòa nổi tiếng ở TP.HCM từng bị giang hồ "khủng bố" trong thời gian dài khi em rể trong gia đình dính đến giang hồ tín dụng đen. Ảnh: T.L

Được biết, trong những năm qua, Công an TP.HCM đã quyết liệt trấn áp, xử lý mạnh tay đối với hoạt động tín dụng đen. Dịch vụ đòi nợ bị cấm hoạt động từ 1/1/2021 thì việc xử lý đối với các loại hình tội phạm liên quan đến tín dụng đen trở nên thuận lợi hơn. Tuy nhiên, sau đó chúng lách, hoạt động theo hình thức mua bán nợ, công ty tư vấn luật, bảo vệ… và vẫn đòi nợ bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, cơ bản vẫn theo kiểu khủng bố, xã hội đen.

Riêng về lĩnh vực phòng, chống tội phạm tín dụng đen, trong những năm gần đây, Công an TP.HCM còn đặc biệt quan tâm đến hình thức vay tín chấp thông qua app, mạng xã hội… Chính vì vậy, nhóm đối tượng cho vay, yêu cầu người vay tiền đồng ý cho truy cập danh bạ điện thoại. 

Do đó khi người vay chậm thanh toán, lánh mặt thì những người khác trong danh sách bạn bè… bỗng dưng bị khủng bố đòi nợ vô cớ. Có trường hợp những người không nợ nần bỗng dưng bị tung tin kèm hình ảnh bêu xấu trên mạng xã hội, tại nhà riêng lẫn nơi làm việc.

Các đối tượng cho vay nặng lãi có nhiều thủ đoạn "khủng bố"... con nợ, lẫn người thân, bạn bè để đòi tiền. Ảnh: Chụp màn hình

Một minh chứng là cách đây không lâu, ông V – Giám đốc một công ty bất động sản quận 1 - kêu cứu khi ông và một số nhân viên liên tục bị những kẻ lạ “khủng bố”, hăm doạ qua điện thoại, với yêu cầu một nhân viên công ty, tên là N. phải trả nợ. Thậm chí, dàn lãnh đạo, nhân viên của công ty bị cắt ghép hình ảnh để bêu xấu trên mạng, khiến cả công ty trong một thời gian có không khí bất an.

Ông V tìm hiểu thì biết được, người cha của nhân viên tên N, đã vay hơn 26 triệu đồng từ công ty tài chính M, với lãi suất 4%/tháng, tức 48%/năm. Nhóm tín dụng đen không đòi nợ được người cha thì gây áp lực đòi nợ con gái, rồi khủng bố, hăm doạ sếp, đồng nghiệp của cô này để đòi cho bằng được tiền gốc, lãi…

Giải quyết tận gốc 

UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Công an sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Theo báo cáo này, giai đoạn 3 năm, từ ngày 15/4/2019 đến ngày 14/4/2022 Công an TP.HCM đã tiếp nhận, phát hiện, xử lý 381 vụ việc có liên quan đến hoạt động tín dụng đen; trong đó đã khởi tố 112 vụ, với 268 đối tượng bị khởi tố bị can. Đáng nói, hành vi bị khởi tố nhiều nhất là cố ý gây thương tích, với 28 vụ, chiếm 25%.

Đồng thời cũng xác định, toàn TP.HCM trong khoảng thời gian đó xảy ra 1.316 lượt ném chất bẩn, chất thải vào nhà dân do mâu thuẫn từ vay nặng lãi.

Công an quyết liệt tấn công tội phạm liên quan đến tín dụng đen nhưng nó vẫn len lỏi khắp các khu dân cư. Ảnh: VietNamNet

Được biết, trong những năm qua, Công an TP.HCM đặc biệt quan tâm phòng ngừa, đấu tranh tội phạm tín dụng đen. Công an TP thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ như: xử lý những kẻ dán, phát tờ rơi cho vay; lập danh sách quản lý các băng nhóm gốc Bắc hoạt động trên địa bàn; dẹp bỏ hàng loạt công ty thu hồi nợ; xử lý triệt để tin báo tố giác tội phạm liên quan đến hoạt động “khủng bố” đòi nợ; tăng cường hoạt động nghiệp vụ an ninh mạng nhanh chóng phát hiện, xử lý các cá nhân, tổ chức đăng thông tin quảng cáo, mời gọi, lôi kéo người vay tiền qua app; kiến nghị cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ các webisite, ứng dụng liên quan đến hoạt động cho vay tiền…

Công an TP.HCM khuyến cáo người dân không vay tiền qua app, các website, trên mạng xã hội… mà nên tìm đến các tổ chức tín dụng được cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép.

Về căn cơ giải quyết dứt điểm nạn tín dụng đen, là điều thực sự không dễ dàng. Trong báo cáo sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM đã có những đề xuất Bộ Công an có những kiến nghị cụ thể.

Tâm "Ken", tức Đỗ Đường Minh Tâm, một trùm cho vay nặng lãi bị Công an quận Bình Thạnh bắt giữ cách đây không lâu, đã giăng bẫy một nạn nhân với số tiền lên đến hơn 100 trăm tỷ đồng. Ảnh: CA

Đó là UBND TP.HCM đề xuất Bộ Công an có kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định của Điều 201 Bộ luật Hình sự về tội “cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” theo hướng tăng hình phạt đối với hành vi cho vay lãi nặng, vốn là hành vi gây ra nhiều hệ luỵ xã hội.

Về giải pháp trước mắt, Bộ Công an kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành liên quan, UBND cấp tỉnh, thành kịp thời giải quyết an sinh xã hội trong và sau thời gian dịch bệnh Covid-19. 

Và về lâu dài, Bộ Công an có kiến nghị Chính phủ hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, để người dân có nhu cầu vay tiền chính đáng, phục vụ việc sản xuất, kinh doanh không phải tìm đến tín dụng đen.

Trang Nguyên