Ứng dụng học tập và nghiên cứu MeMo của nhóm sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là 1 trong 68 dự án được chọn vào tham gia vòng chung kết cuộc thi SV.STARTUP-2019.

Bộ GD&ĐT vừa chính thức thông báo kết quả chấm thi vòng thi toàn quốc cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2019 (SV.STARTUP-2019).

Theo đó, có 68 đội thi đến từ các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm và các trường THPT trên toàn quốc được chọn vào vòng chung kết cuộc thi SV.STARTUP-2019 được tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội vào các ngày 4 - 5/10 tới, trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2019.

Cụ thể, với khối đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm, có 50 dự án, ý tưởng khởi nghiệp của các nhóm sinh viên đến từ 39 trường sẽ tham gia đua tài tại vòng chung kết SV.STARTUP-2019, bao gồm: Space Now - Ứng dụng kết nối mọi không gian (Học viện Tài chính); Smart Edu (Đại học Công nghệ TP.HCM); Ứng dụng học tập và nghiên cứu MeMo, ET-WIFI (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông); Phòng học online theo yêu cầu (Đại học Mỏ Địa chất); Hệ thống quét 3D bằng ánh sáng cấu trúc, Ứng dụng công nghệ 3D chế tạo sản phẩm phục vụ y tế và giáo dục (Đại học Bách khoa Hà Nội); Hệ thống trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chẩn đoán các bệnh về da (Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM); Bộ xét nghiệm nhanh Formol trong thực thẩm, Hệ thống giám sát vườn rau thông minh (Đại học Thủ Dầu Một)…

Với khối các trường THPT, có 18 ý tưởng, dự án của học sinh được lựa chọn vào thi chung kết SV.STARTUP-2019, trong đó có các dự án: Máy ấp trứng cua đinh thông minh của học sinh THPT chuyên Vị Thanh (Hậu Giang); Mô hình máy bay không người lái của học sinh THPT Lê Quý Đôn (Điện Biên); Xe lăn điện Baili Futi Pro của học sinh trường THPT Phan Văn Trị (Cần Thơ); Robot thí nghiệm hóa học của học sinh THPT Hoa Lư A (Ninh Bình); Sản xuất, kinh doanh màng bọc thực phẩm đa năng của học sinh THPT Nguyễn Khuyến (Nam Định)…

Học sinh, sinh viên và các trường có thể xem danh sách các dự án, ý tưởng khởi nghiệp được chọn vào vòng chung kết cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2019 tại đây.

Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục đại học giao Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp hoặc bộ phận hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp của nhà trường tiếp tục hỗ trợ các học sinh, sinh viên hoàn thiện sản phẩm mẫu để giới thiệu, trưng bày tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2019. Đồng thời hỗ trợ sinh viên hoàn thiện các bài dự thi theo đúng thể lệ; hoàn thiện video clip thuyết trình với độ dài theo quy định và định dạng MP4.

Các Sở GD&ĐT liên hệ với các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp của địa phương hoặc các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh, thành phố để được hỗ trợ hoàn thiện dự án, ý tưởng khởi nghiệp của học sinh. Hướng dẫn học sinh hoàn thiện bài trình bày, hoàn thiện video clip thuyết trình với độ dài theo quy định và đặt định dạng theo tiêu chuẩn MP4.

Thời hạn Bộ GD&ĐT yêu cầu gửi bài dự thi của học sinh, sinh viên (gồm bài trình bày bản giấy và video clip) về Ban tổ chức cuộc thi là trước ngày 27/9/2019 qua địa chỉ email duthi.svstartup@gmail.com.

Theo thể lệ cuộc thi, các đội dự thi vòng chung kết sẽ phải trải qua 2 chặng thi.  Trong đó, ở chặng 1, các đội sẽ trình chiếu video clip giới thiệu dự án có thời lượng 3 phút và bốc thăm chọn 1 trong các đội dự thi còn lại để hỏi đáp đối đầu trong thời gian từ 3 – 5 phút. Ban giám khảo sẽ căn cứ ý kiến đánh giá sản phẩm, dự án và kết quả chặng 1 để chọn ra 10 ý tưởng, dự án của học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm và 5 ý tưởng, dự án của học sinh THPT có tính khả thi cao nhất vào vòng thi cuối cùng. Trong chặng 2, các đội dự thi có từ 3 – 5 phút trình bày bài dự thi và Ban giám khảo sẽ có 10 phút để đặt câu hỏi.