Bà Mạnh là con gái của nhà sáng lập, chủ tịch Huawei Nhậm Chính Phi. Ngày 1/12/2018, chính quyền Canada đã tiến hành bắt giữ doanh nhân này tại sân bay Vancouver, sau đó chuyển sang giam lỏng chờ lệnh dẫn độ đến hôm nay.

Hơn 3 tháng bị lưu giữ tại Bắc Mỹ, "công chúa Huawei" vẫn đang có cuộc sống thoải mái, vương giả trong căn biệt thự trị giá hàng triệu USD.

Dưới đây là bài viết của phóng viên The New York Times, Dan Bilefsky về cảm nhận của người bản xứ đối với tù nhân đặc biệt này.

Bà Mạnh rời khỏi biệt thự của mình cùng với đội bảo vệ. Ảnh: AP.

Tù nhân ở nhà triệu USD

Vào buổi chiều cách đây vài hôm, một sinh viên người Trung Quốc tại Đại học British Columbia ngồi đợi bên ngoài khu biệt thự trị giá 16 triệu USD ở Vancouver để mong nhìn thấy bà Mạnh Vãn Châu. Tuy nhiên, tù nhân nổi tiếng nhất Canada không xuất hiện tại đây. Ngày hôm đó, bà Mạnh đang trú tại căn biệt thự nhỏ hơn, trị giá khoảng 6 triệu USD, nằm trong khu Dunbar giàu có bậc nhất thành phố.

"Bà Mạnh là một niềm tự hào dân tộc của Trung Quốc, và tôi muốn nhìn thấy cuộc sống của một người châu Á siêu giàu", chàng sinh viên Parker Li chia sẻ. "Nhiều người Trung Quốc từ đại lục cảm giác bà ấy đang bị Mỹ bắt nạt".

Tuy nhiên, người Canada lại có những cảm nhận khác nhau về việc này.

Ba tháng sau khi bị bắt, "công chúa Huawei" trở thành nhân vật gây tò mò bậc nhất Vancouver, nơi tập trung khá nhiều cộng đồng gốc Á từ khi nơi này thành lập vào thế kỷ 19.

Đối với một số người, bà Mạnh vẫn là một người nước ngoài giàu có với nhiều bất động sản giá trị. Công dân Canada cũng bị liên lụy ít nhiều vì hành động trả đũa của phía Trung Quốc đối với vụ bắt giữ CFO Huawei. Căng thẳng giữa hai quốc gia đang ở đỉnh điểm trong giai đoạn này.

Trung Quốc đã tống giam một số người Canada, trong đó có cả các cựu quan chức ngoại giao với những cáo buộc khác nhau. Họ bị giữ tại các địa điểm bí mật, không cho phép luật sư và gia đình thăm viếng. Robert Lloyd Schellenberg, một người Canada bị bắt trong đợt này, thậm chí phải đối mặt với án tử hình vì buôn lậu ma túy.

Cuộc chiến pháp lý giữa hai bên tiếp tục leo thang. Cuối tuần trước, luật sư của bà Mạnh tuyên bố kiện cơ quan hành pháp Canada vì giam giữ bà Mạnh 3 giờ trước khi có lệnh bắt chính thức.

Huawei đang chuẩn bị kiện chính phủ Mỹ do lệnh cấm các công ty viễn thông sử dụng thiết bị mạng của họ. Tại Vancouver, phiên tòa xem xét việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu sang Mỹ cũng đã bắt đầu.

Theo Giáo sư Andy Yan của Đại học Simon Fraser, bà Mạnh đang trở thành đối tượng của sự căm phẫn với tình trạng bất bình đẳng đang diễn ra ở Vancouver. Dường như người nước ngoài có thể mua sự tự do và biến Vancouver thành một thành phố bảo vệ người có tiền.

“Người dân cảm thấy buồn vì cô ta bị quản thúc tại một biệt thự, trong khi công dân Canada lại ngồi tù ở Trung Quốc", Andy Yan cho biết thêm.

Ông Yan lưu ý rằng khu nhà mà bà Mạnh đang sống là một nơi đặc biệt. Dunbar nằm ở phía tây Vancouver, từng là nơi tập trung của tầng lớp trung lưu nhưng hiện đã trở thành một khu phố giàu có với nguồn vốn từ các quỹ tài chính nước ngoài.

"Giờ đây chỉ có các triệu phú mới đủ khả năng sống ở đó", Giáo sư Yan khẳng định.

Một căn biệt thự của bà Mạnh tại Vancouver. Ảnh: The New York Times.

Nhiều người ở đây không thể tham dự những buổi tiệc tối, những quán cà phê mà bà Mạnh ghé qua trong thời gian bị giam lỏng. Khoản tiền 10 triệu USD bảo lãnh cho phép “công chúa Huawei” rời khỏi nhà đến 11 giờ tối, ngao du khắp khu Richmond, ghé các nhà hàng Trung Quốc và mua sắm các món đồ hiệu một cách thoải mái.

"Nếu bạn phải ở tù ở đây, dường như nó không quá tệ", Karen Weichel, một người hàng xóm của bà Mạnh nhận xét trong khi chỉ tay sang khu biệt thự rộng rãi, bên ngoài là đội bảo vệ diện veston sang trọng ngồi trên những chiếc SUV hiệu Cadillac.

Biểu tượng của người Trung Quốc không khuất phục?

Một nhân viên bảo vệ nơi này cho biết vài tuần qua bà Mạnh thường xuyên ở nhà. Một lần bà đã mua bánh pizza cho các nhà báo ở bên ngoài. Có một chiếc sedan màu tím, biển số mang dòng chữ "Bubba" đậu ở phía sau khu biệt thự, chắn lối lái xe ra của tòa nhà.

Một hàng xóm người Trung Quốc nói rằng đã nhìn thấy Mạnh ngồi cùng với lái xe trên đường đi vào nhà. "Chúng tôi khó chấp nhận những gì Canada đang làm", cô này nói. "Có vẻ như họ không thể phân biệt được tốt xấu, chúng tôi hy vọng bà Mạnh sẽ thoát khỏi việc này an toàn".

Mạnh Vãn Châu, con gái lớn của nhà sáng lập, chủ tịch Huawei, đã thăng tiến từ vị trí trợ lý lên chức vụ Phó chủ tịch, kiêm Giám đốc tài chính của tập đoàn này. Tại phiên điều trần về việc tại ngoại, luật sư David Martin cho biết thân chủ muốn dành thời gian bị tạm giam cho gia đình của mình.

Theo luật sư, bà Mạnh đã không đọc một cuốn tiểu thuyết nào trong nhiều năm qua. Bà cũng định theo học tiến sỹ Quản trị kinh doanh tại Đại học British Columbia, nơi Huawei đang tài trợ hàng triệu USD cho công tác nghiên cứu, bao gồm cả mạng không dây 5G.

Người Trung Quốc biểu tình ủng hộ Mạnh Vãn Châu bên ngoài phiên tòa xem xét bảo lãnh tại ngoại vào tháng 12/2018. Ảnh: AP.

Parker Li cho rằng sinh viên gốc Trung Quốc tại British Columbia đang bị chia rẽ vì vụ việc này. Một số tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh của bà Mạnh, trong khi những người khác cho rằng chính quyền Canada đang thực thi đúng pháp luật.

Wenran Jiang, một thành viên tại Viện nghiên cứu châu Á của Đại học British Columbia, cho rằng đối với một số người nhập cư Trung Quốc trong thành phố, vụ bắt giữ bà Mạnh đã khắc sâu vào ký ức lịch sử về sự phân biệt đối xử của Canada đối với người Trung Quốc.

"Vancouver rất giống một thành phố châu Á, vì vậy nơi này quan tâm sâu sắc đến vụ Mạnh Vãn Châu bởi vì bà ấy là một người Trung Quốc thượng lưu", Jiang nhận xét. "Đối với một số người, bà ấy đã trở thành biểu tượng của người Trung Quốc không bị khuất phục".