Kiểm soát tâm trí con người là chủ đề thường gặp trong các bộ phim giả tưởng, đôi khi bằng các thiết bị công nghệ hiện đại. Ảnh: Inverse.

Con bò tót hung hãn dừng lại đột ngột đến mức móng guốc của nó găm sâu xuống đất, chỉ cách José Manuel Rodriguez Delgado chưa đầy 1 mét. Delgado không phải người đấu bò, mà là một nhà thần kinh học người Tây Ban Nha đang thực hiện một thử nghiệm đầy mạo hiểm.

Ông thực hiện thử nghiệm này năm 1963 để chứng minh rằng mình có thể điều khiển hành vi bạo lực. Khi con bò lao đến, Delgado nhấn một công tắc trên điều khiển cầm tay, kích hoạt các điện cực đã được cấy vào não con bò từ trước.

Kể từ đó đến nay, thao túng tâm lý và can thiệp vào suy nghĩ bằng các thiết bị cấy ghép não trở thành một chủ đề vừa hấp dẫn vừa gây lo ngại.

Các tỷ phú như Elon Musk và Mark Zuckerberg đang đổ hàng triệu USD để phát triển công nghệ giao tiếp giữa não và máy tính (BCI). Musk nói rằng muốn tạo ra một lớp siêu trí tuệ "add-on" trong não người, Zuckerberg thì muốn tạo ra tính năng tải suy nghĩ và cảm xúc lên Internet.

thao tung tam ly anh 1

Khỉ được cấy chip trong não chơi trò chơi điện tử mà không cần điều khiển bằng tay trong một thử nghiệm của Neuralink, công ty của Elon Musk. Ảnh: Neuralink.

Nhưng đây cũng là chủ đề mà ranh giới giữa thực tế và hư cấu đang không rõ ràng. Các công nghệ ngày nay thực sự có khả năng tác động trí não con người đến đâu?

Can thiệp vào bộ não

Từ năm 1964, công nghệ của Delgado đã đạt được mức độ tác động đáng ngạc nhiên lên não. Đơn giản bằng cách kích điện vào não, qua các điện cực được cấy ghép từ trước, công nghệ này có thể dập tắt hoạt động não đang diễn ra hoặc gây ra các trạng thái hưng phấn hay tuyệt vọng.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người lo sợ rằng một lúc nào đó các công nghệ tiên tiến hơn sẽ có thể thao túng hoàn toàn tâm lý và suy nghĩ của con người.

Các nhà khoa học thần kinh có uy tín cũng nêu lo ngại. Một bài xã luận xuất bản năm 2017 trên tạp chí khoa học hàng đầu Nature mở đầu bằng tình huống giả tưởng gần giống một tập phim Black Mirror. Một người đàn ông bị liệt được cấy vào não một thiết bị giúp điều khiển cánh tay giả. Đến một ngày, vì người đàn ông bị căng thẳng tâm lý, làm cho thiết bị cấy ghép cũng phát điên và dùng tay giả tấn công người.

Nhưng những tình huống như vậy, hay những công nghệ thao túng tâm lý và trí óc con người trong Black Mirror, chỉ là giả tưởng.

Với công nghệ tiến bộ hơn so với năm 1964, các nhà thần kinh học ngày nay có thể tác động điện vào một số vùng não để cố gắng gây ra những hiệu ứng mong muốn nhất định.

Chẳng hạn, một nghiên cứu đăng trên Nature Neuroscience vào tháng 8 mô tả kích thích điện vào một vùng nằm ở phía trước của bộ não giúp cải thiện trí nhớ dài hạn, và kích thích điện vào một vùng nằm phía sau và sâu trong não sẽ tăng cường trí nhớ ngắn hạn.

thao tung tam ly anh 2
Nathan Copeland điều khiển cánh tay robot bắt tay cựu Tổng thống Obama. Ảnh: Wired.

Cấy điện cực vào vỏ não vận động cũng có thể giúp người bị liệt điều khiển cánh tay robot hoặc con trỏ chuột máy tính chỉ bằng suy nghĩ. Một bệnh nhân nhận được dạng can thiệp này, Nathan Copeland, đã từng điều khiển cánh tay robot bắt tay cựu Tổng thống Obama.

Nhưng thay đổi hay "cấy ghép" một suy nghĩ hoặc cảm xúc vẫn là bất khả thi. Bởi vì các nhà khoa học thần kinh vẫn chưa biết suy nghĩ, cảm xúc và ý định được não người “mã hóa” như thế nào và trở thành những tín hiệu gì trong vô vàn tín hiệu liên tục truyền đi trong não.

Tín hiệu phức tạp

Hoạt động điện dao động liên tục trong vỏ não, gọi là sóng não, sẽ đột ngột bị triệt tiêu nếu một người cử động hoặc có ý định cử động tay. Từ dấu hiệu khoảng lặng này, các nhà khoa học tạo ra các thiết bị cấy ghép não đọc sóng não và điều khiển chi giả. Nhưng hiểu được các hoạt động điện liên tục diễn ra trong não là một việc hoàn toàn khác.

Giống như khi cả nhà hàng ồn ào bỗng im lặng đột ngột sau khi một người rơi vỡ cốc, chúng ta dễ hiểu khoảng lặng là tín hiệu rõ ràng cho một sự việc, nhưng không có nghĩa là cũng hiểu được các cuộc trò chuyện xung quanh, R. Douglas Fields, giáo sư khoa học thần kinh và khoa học nhận thức tại Đại học Maryland, giải thích.

Giả sử mỗi tế bào thần kinh chỉ có 2 trạng thái "bật" hoặc "tắt", thực tế không đơn giản như vậy, thì trong một mạng lưới 300 nơron sẽ có 2^300 trạng thái khả dĩ - nhiều hơn số nguyên tử trong vũ trụ khả kiến. Và não người có 85 tỷ tế bào thần kinh, tạo ra số tín hiệu gần như vô tận.

Kể cả khi hiểu được các tín hiệu này, chúng ta cũng không biết tế bào hay tổ hợp tế bào thần kinh nào đã tạo ra tín hiệu để có thể kích thích chúng tạo ra tín hiệu một cách khác đi và thay đổi cảm xúc hay suy nghĩ của một người.

"Có thể xác định được vùng não tương ứng với một tín hiệu, nhưng không thể biết cụ thể là tế bào thần kinh nào. Và ở mỗi cá nhân các tế bào thần kinh lại khác nhau", Timothy Buschman, nhà khoa học thần kinh tại Đại học Princeton, cho biết.

Cho dù lĩnh vực khoa học thần kinh và cấy ghép não đã có nhiều tiến bộ, khả năng kiểm soát tâm trí bằng công nghệ vẫn nằm ngoài tầm với của con người.

(Theo Zing)