Theo ghi nhận của VietNamNet, những ngày vừa qua, nhiều trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM, Đồng Nai, Hà Nội… đang gặp tình trạng quá tải, tài xế phải chờ đợi cả tuần để được kiểm định phương tiện.

Mặt khác, mới đây Công an TP.HCM đã khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 33 người tại 9 trung tâm đăng kiểm ở một số tỉnh, thành phố về các hành vi môi giới hối lộ, đưa hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác. Cơ quan điều tra đã xác định hơn 52.000 giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho các xe ô tô được cấp sai quy định.

Nhiều trung tâm đăng kiểm đang trong tình trạng quá tải. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, một chuyên gia công nghệ đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành nhận định, thực tế trên càng cho thấy rằng việc dùng công nghệ để hỗ trợ giải quyết các vấn đề của lĩnh vực đăng kiểm đã trở nên cấp thiết.

Theo vị chuyên gia này, cần đẩy nhanh chuyển đổi số lĩnh vực đăng kiểm, thông qua việc đưa tất cả các khâu từ thủ tục, giấy tờ cho đến nộp lệ phí lên mạng.

Cùng với đó, cần tự động hoá các khâu “khám xe”, trong đó có việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, phân tích bằng hình ảnh, đưa xe vào buồng chụp ảnh, đặt camera các góc cần kiểm tra, chụp ảnh xong phân tích, ra ngay sự thay đổi so với lần đăng kiểm trước, từ đó các nhân viên đăng kiểm có thể khám kỹ.

“Với việc đưa công nghệ vào, sẽ giúp tự động hoá được phần lớn các khâu, minh bạch trong thủ tục, hạn chế làm sai và giảm tải cho kiểm tra thủ công”, chuyên gia công nghệ này cho hay.

Ở góc của doanh nghiệp công nghệ đang tham gia phát triển các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số lĩnh vực giao thông vận tải, ông Phan Bá Mạnh, CEO Công ty An Vui cũng cho rằng, hoàn toàn có thể đưa công nghệ vào giúp giải quyết các vấn đề tồn tại của lĩnh vực đăng kiểm.

Theo CEO An Vui, hiện nay các cơ sở đăng kiểm chưa có kênh để người dân có thể lên đó đăng ký trước về lịch đăng kiểm online, hay cung cấp hồ sơ online trước đồng thời sẽ nhận được phản hồi về thời gian lịch hẹn mang xe đến thực hiện. Nếu thiết lập được kênh tương tác online này, các chủ phương tiện sẽ không còn phải mất nhiều thời gian chờ đợi tại các Trung tâm đăng kiểm, đồng thời giảm tải cho các đơn vị đăng kiểm cũng như góp phần giảm thiểu tiêu cực trong lĩnh vực này.

Về cách triển khai, ông Phan Bá Mạnh khuyến nghị, Cục Đăng kiểm xây hệ thống và cung cấp địa chỉ website cho người dân lên đăng ký, khai báo thông tin ban đầu của phương tiện cần đăng ký. Hệ thống cũng cho phép chủ phương tiện chọn cơ sở đăng kiểm, thời gian mong muốn đăng kiểm… Qua đó, hệ thống sẽ tìm và lên lịch hẹn với chủ phương tiện.

“Việc xây hệ thống đặt lịch đăng kiểm không khó và cũng không tốn nhiều thời gian nhưng sẽ giải quyết được ngay việc ùn tắc, đồng thời cũng góp phần giảm tiêu cực. Từ kinh nghiệm của chúng tôi, thời gian xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống chỉ mất khoảng 3 tháng với quy mô toàn quốc và 1 tháng với phạm vi trong 1 tỉnh, thành phố”, ông Mạnh chia sẻ.

Đối với việc hỗ trợ giám sát hoạt động đăng kiểm, CEO Công ty An Vui nhấn mạnh rằng cũng cần ứng dụng công nghệ, như triển khai các hệ thống kiểm thử tự động thay vì dùng sức người, từ việc đo nồng độ khí thải, hệ thống test tự lái... Các hệ thống này phải có kết nối dữ liệu trực tiếp với hệ thống Tiêu chuẩn đăng kiểm và cần được chấm tự động, không nên đưa con người vào can thiệp.

CEO Công ty An Vui cũng nói thêm, việc triển khai các hệ thống hỗ trợ giám sát hoạt động đăng kiểm cần thực hiện trên quan điểm những tiêu chí nào ảnh hưởng lớn đến an toàn thì được số hóa, tích hợp tự động trước.

Ở lĩnh vực đăng kiểm, hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam đã xây dựng, triển khai nhiều ứng dụng chuyên ngành quản lý, trong đó có hệ thống quản lý kiểm định xe cơ giới. Một trong những mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của Chương trình chuyển đổi số Bộ Giao thông vận tải là tự động hóa được hoàn toàn các công tác liên quan đến quản lý đăng ký, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia kinh doanh vận tải nhờ các hệ thống thiết bị và phần mềm ứng dụng CNTT.