Cảm biến mống mắt là công nghệ cao cấp sắp xuất hiện trên kính AR/VR của Apple. Ảnh: The Verge.

Thiết bị thực tế hỗn hợp VR/AR của Apple có thể sẽ sử dụng công nghệ quét mống mắt để đăng nhập và thanh toán trong các ứng dụng. Đây được đánh giá là điểm khác biệt lớn nhất của sản phẩm Táo khuyết so với Meta Quest của Meta.

Công nghệ mà Meta không thể cạnh tranh

Cụ thể, chia sẻ với The Information, một nguồn tin nội bộ cho biết kính VR/AR của Apple sẽ cho phép nhiều người sử dụng thiết bị này bằng chính tài khoản của họ.

Người dùng chỉ cần đeo thiết bị, hệ thống cảm biến sẽ tự động quét mống mắt, nhận diện người dùng và tự động đăng nhập vào tài khoản. Công nghệ này hoạt động tương tự cảm biến vân tay hoặc Face ID, đồng thời tận dụng bộ camera hiện đại trên iPhone.

“Người dùng có thể dễ dàng đăng nhập nhiều tài khoản khác nhau chỉ trên một thiết bị. Không chỉ thế, họ còn có khả năng nhanh chóng xác nhận các giao dịch thanh toán, giống với vân tay hoặc nhận diện khuôn mặt trên iPhone”, nguồn tin nội bộ nói với The Information. Điều này sẽ giúp sản phẩm của Apple trở nên khác biệt với đối thủ lớn nhất Meta Quest Pro vừa mới ra mắt.

Apple cam bien mong mat anh 1

Cảm biến mống mắt sẽ xuất hiện trên bộ kính thực tế hỗn hợp của Apple. Ảnh: Getty Images.

Hiện, thiết bị của Meta chưa đến 10 cảm biến độ hướng vào bên trong, có khả năng nhận biết các thay đổi trên khuôn mặt hoặc đôi mắt người sử dụng để tái hiện lại trong metaverse. Tuy nhiên, các camera này không thể dùng để nhận diện.

Trong khi đó, theo The Information, Apple sẽ sử dụng 14 cảm biến hướng xuống bên dưới để quay chân người, tái tạo bộ phận này trong vũ trụ ảo. Đây là điều mà Meta vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn.

Thiết bị thực tế hỗn hợp của Táo khuyết sẽ có thiết kế giống như kính bơi thông thường, sử dụng nhôm, vải và kính để làm vật liệu. Do đó, nó sẽ nhẹ hơn 0,7 kg so với Quest Pro.

Cuộc đua giữa Apple và Meta

Tin đồn này tương đồng với dự đoán của nhà phân tích Ming-Chi Kuo vào tháng 3/2021. Theo chuyên gia, kính AR/VR đầu tiên của Apple sẽ vừa có thể theo dõi chuyển động mắt vừa có cảm biến mống mắt, giúp điều hướng, thanh toán trên Apple Pay.

Hệ thống này cho phép người dùng có trải nghiệm mượt mà hơn, tối ưu hóa tầm nhìn của họ, đồng thời tự động giảm độ phân giải ở những vùng không gian họ không nhìn tới.

Trước đó, một số nguồn tin khác cũng chỉ ra kính VR/AR này sẽ được trang bị nhiều tính năng cao cấp như màn hình có độ phân giải cao, cảm biến theo dõi từng chi tiết thay đổi trên khuôn mặt và thậm chí là khả năng tùy chỉnh mặt kính tùy theo độ cận của người dùng.

Sản phẩm có thể sẽ sử dụng con chip M2 xuất hiện trên các máy tính Mac gần đây nhưng bị giảm tốc độ làm mới màn hình để tiết kiệm pin. Đổi lại, trải nghiệm sử dụng sẽ không có độ chân thực cao.

Theo dự tính, kính thực tế ảo tăng cường của Táo khuyết sẽ được ra mắt vào năm 2023. Nhưng trước đó, dự án này đã nhiều lần bị hoãn ngày công bố. Thiết bị có thể sẽ có giá khoảng 3.000 USD, gấp đôi Meta Quest Pro.

Điều này đồng nghĩa với việc kính VR/AR của Táo khuyết sẽ hướng đến đối tượng là các chuyên gia, người đam mê công nghệ thay vì người dùng phổ thông.

Apple cam bien mong mat anh 2

Apple đã ấp ủ sản phẩm hoàn toàn mới này trong suốt nhiều năm liền. Ảnh: Getty Images.

Theo The Information, cả hai sản phẩm của Meta và Apple đều sẽ được trang bị những tính năng tương tác thực tế ảo, chuyển những video quay trực tiếp từ bộ kính phía trước vào phía trong màn hình, giúp tái dựng hình ảnh 3D tốt hơn.

Tuy nhiên, nhược điểm là thiếu độ trung thực, không sát với thực tế. Do đó, các hãng phải tuyển dụng nhiều nhà phát triển mới để giành lợi thế lớn trong thị trường thực tế hỗn hợp mới nổi này.

The Information nhận định Meta có lợi thế lớn hơn khi ra mắt Meta Quest Pro trước vài tháng so với Apple. Nhưng những công nghệ tân tiến sẽ giúp gã khổng lồ công nghệ có trụ sở ở Cupertino giành lại vị thế trên thị trường.

“Thiết bị VR/AR của Apple đã chậm chân so với Meta đã đi trước 7 năm. Tuy nhiên, thiết bị của hãng sẽ có những đổi mới công nghệ mà chiếc headset của Meta không thể cạnh tranh”, nguồn tin nội bộ cho biết.

(Theo Zing)