Du lịch Việt Nam loay hoay với ứng dụng công nghệ

"Không chạm" khi đi du lịch để hạn chế sự tiếp xúc con người với nhau, con người với các vật dụng bề mặt nhờ công nghệ tự động hóa, là phương pháp quan trọng nhằm ngăn ngừa dịch bệnh. Xu hướng này được áp dụng tại nhiều quốc gia và các nước Châu Âu đang dẫn đầu.

Theo ông Nguyễn Sơn Thuỷ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, việc áp dụng chuyển đổi số đối với các nước có ngành du lịch phát triển diễn ra khá mạnh mẽ trước khi có đại dịch.

{keywords}
Du lịch không chạm không chỉ giúp du khách cảm thấy thuận tiện mà còn an toàn trong giai đoạn dịch bệnh. (Ảnh: Vntravellive)

Nhiều điểm đến ở một số nước Châu Á như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan ứng dụng công nghệ thông minh trong nhiều mảng vận hành, từ các dịch vụ đặt chỗ cho đến phương thức thanh toán, quản trị của chính các doanh nghiệp như ví điện tử, mã QR, trải nghiệm du lịch dựa trên công nghệ thực tế ảo… Cụ thể là việc làm thủ tục check in tại hải quan nhập cảnh vào Singapore, thủ tục check in vé máy bay tại Thái Lan, scan khuôn mặt khi đi tàu biển vào Trung Quốc hay các khách sạn không người ở Đài Loan, Nhật Bản...

Cũng theo ông Thuỷ, ứng dụng công nghệ thông minh vào du lịch Việt Nam khá chậm. Ngành du lịch đang loay hoay để vừa đảm bảo an toàn cho du khách, vừa phục hồi theo tiêu chí “thích ứng, an toàn”. Ngoài ra, du lịch không chạm tại Việt Nam còn rất mới và cần bắt đầu từ chính các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách và chính quyền địa phương... Phải tập trung triển khai đồng bộ, nhất quán trong hoạt động du lịch. 

“Hãy bắt đầu từ việc check in vào Việt Nam tại các cửa khẩu hải quan, sân bay, biên giới. Du khách khi làm thủ tục chỉ cần scan khuôn mặt, quét vân tay hoặc scan QR code để hoàn thành tất cả thủ tục như visa, vé máy bay, kê khai y tế, kiểm tra điều kiện đi lại đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Tiết giảm các thủ tục hành chính trực tiếp như khai báo giấy, trình hồ sơ, chữ ký tại quầy, thanh toán bằng tiền mặt...", ông Thủy nói.

Còn ở trong nước, hồ sơ của doanh nghiệp sẽ được báo cáo qua Cổng dịch vụ công, chính quyền, cơ quan quản lý du lịch tại địa phương bằng hình thức trực tuyến. Tất cả dữ liệu của doanh nghiệp, du khách phải có cơ chế chia sẻ đảm bảo an toàn thông tin. Thực tế thì những việc này chưa được quy định đầy đủ trong pháp luật Việt Nam, do đó cần nhanh chóng hoàn chỉnh khung pháp lý. “Các doanh nghiệp cần được khuyến khích chuyển đổi số bằng chính sách tài khoá, tài chính cụ thể, ưu đãi đặc biệt. Ứng dụng công nghệ thông minh giúp tăng lợi thế cạnh tranh, phù hợp với nhu cầu du khách và thế giới. Giải pháp công nghệ ổn định, thông minh, bền vững và nhân sự có chuyên môn cao cũng là một điểm hạn chế tại Việt Nam”, ông Nguyễn Sơn Thủy nhận định.

Du lịch "không chạm": Cơ hội để phục hồi

Du lịch "không chạm" giúp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh, hỗ trợ quảng bá xúc tiến du lịch trên môi trường số như VR/AR/360o, tăng giá trị trải nghiệm cho du khách tại các khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan. Ngoài ra còn góp phần gia tăng lợi thế cạnh tranh điểm đến, tiếp cận du khách dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn.

Trao đổi với Vietnamnet, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vietnam TravelMart cho rằng, du lịch "không chạm” là cơ hội cho ngành du lịch phục hồi sau làn sóng Covid-19, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tái khởi động ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới. 

{keywords}
Travel Blogger Khoai Lang Thang là một trong số những người trẻ yêu thích xu hướng du lịch "không chạm".

“Rõ ràng đây là cơ hội lớn, đồng thời là thách thức không nhỏ cho ngành du lịch Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch nói riêng. Covid-19 đã làm thay đổi cơ bản cấu trúc khách, hành vi tiêu dùng và thói quen mua hàng theo hướng sử dụng công nghệ thông minh để tiếp cận đến dịch vụ cuối cùng. Ngành du lịch Việt Nam, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp phải tận dụng cơ hội này để nhanh chóng chuyển đổi số, chuẩn bị mọi điều kiện bước lên con thuyền thương mại số nhằm nhanh chóng phục hồi du lịch Việt Nam”, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Dũng, có 3 điều kiện tiền đề cho du lịch không chạm/ít chạm tại Việt Nam: Một là, ý thức phòng chống dịch bệnh ngày càng được nâng cao của du khách và các điểm đến; Hai là, công nghệ thông minh và năng lực chuyển đổi số; Ba là, sự ra đời ngày càng nhiều của các sản phẩm hướng đến gia tăng trải nghiệm, sản phẩm ở các khu vực biệt lập, gần gũi với thiên nhiên, phù hợp với nhóm nhỏ, gia đình.

Ông Sơn Thuỷ cho biết thêm, Quảng Nam luôn hướng đến du lịch bền vững, hướng đến thiên nhiên, sử dụng vật liệu thân thiện, bảo vệ môi trường: “Du lịch Quảng Nam đã hình thành các sản phẩm du lịch kinh tế tuần hoàn, món ăn từ “rác”, mô hình tiết giảm sử dụng chai lọ, đồ nhựa theo phương pháp “đong đầy”; thúc đẩy chuyển đổi số trong quảng bá du lịch, e-marketing, giới thiệu tour trên nền tảng số mới…”.

Với những người trẻ, du lịch "không chạm" mang nhiều màu sắc mới khi ứng dụng công nghệ thông minh trước - trong và sau mỗi chuyến đi, là cơ hội để trải nghiệm văn hoá, đặc sản, ẩm thực địa phương.

Travel Blogger Khoai Lang Thang cho rằng, du lịch "không chạm" ở Việt Nam còn khá mới, được ứng dụng ở một vài địa phương. Mọi người có thể đi du lịch, nhất là trong dịp Tết nhưng hạn chế đến những tụ điểm đông người, tuân thủ quy định của chính quyền địa phương nơi đến và thực hiện 5K. Ngoài ra, nên ưu tiên các tour du lịch gia đình, trải nghiệm văn hoá địa phương. Xu hướng du lịch sắp tới có thể là đi theo nhóm nhỏ, những người thân quen, hạn chế gặp người lạ.

“Mình ấn tượng với Thái Lan trong việc ứng dụng công nghệ thông minh, du khách có thể tìm hiểu thông tin bằng mã QR, chỉ cần sử dụng điện thoại, quét mã là biết hết về điểm đến chứ không nhất thiết phải cầm một tờ giấy hướng dẫn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc thanh toán thông qua ứng dụng hay booking, tra cứu điểm đến trên điện thoại phù hợp  với các bạn trẻ, nhiều cô chú lớn tuổi khó tiếp cận hơn một chút...”, Travel Blogger Khoai Lang Thang nói.

Hiện nay, nhu cầu du lịch nội địa đã gia tăng trở lại kể từ khi những hạn chế đi lại được nới lỏng và chiến dịch “phủ vắc xin” được đẩy mạnh. Việt Nam cũng mở lại 10 đường bay quốc tế và mới đây đã tăng tuần suất bay cho một số chặng như đường bay đến Nhật Bản, Đài Bắc, Hàn Quốc và Singapore. Theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam, có khoảng 140.000 người Việt có nhu cầu về nước đón Tết Nguyên đán 2022. Dự báo, lượng khách đến Việt Nam sẽ vượt 30.000 lượt/tuần, bao gồm cả công dân Việt Nam, Việt kiều và người nước ngoài. 

Du lịch Việt sẽ được "hồi sinh" trở lại - đó là mong muốn và kỳ vọng của những người làm du lịch sau hơn 2 năm “cầm cự” và sống chung với đại dịch. Nhiều địa phương đã huy động mọi nguồn lực để “cứu” ngành du lịch, trong đó ứng dụng khoa học, công nghệ thông minh là một trong những giải pháp quan trọng nhất để tăng lợi thế cạnh tranh, tạo sự thuận lợi, đề cao tính an toàn cho du khách.

Ka Mi

Quảng bá và khám phá du lịch qua smartphone

Quảng bá và khám phá du lịch qua smartphone

Bằng chiếc smartphone, những cảnh đẹp của Việt Nam được các hướng dẫn viên online gửi đến du khách quốc tế trong mùa dịch Covid-19, bên cạnh đó nhiều khách trong nước cùng nhờ nó để đi du lịch trực tuyến trong hoàn cảnh giãn cách xã hội.