Theo ông Việt, lãnh đạo tỉnh Hà Giang mong muốn chuyển đổi mô hình theo mô hình chính phủ điện tử (e-Gorvenment), nhưng họ gặp vấn đề khó khăn do người dân địa phương không quen thuộc với các ứng dụng, website và từ chối dùng các dịch vụ trực tuyến.

Để giải quyết vấn đề này, FPT đã chia sẻ nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo FPT.AI để các chuyên gia công nghệ có thể xây dựng các chatbot giúp kết nối người dân với chính phủ. Trên cơ sở đó, người dân có thể trao đổi trực tiếp với chatbot về các dịch vụ công trực tuyến và gửi yêu cầu đến các bộ phận liên quan một cách dễ dàng như trao đổi với bạn bè. “Từ đó, họ có thể được giải đáp thắc mắc ngay lập tức thông qua chatbot”, ông Việt nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Việt đã chia sẻ những bài học thành công của FPT với nền tảng chuyển đổi số cho lĩnh vực hàng không (Airbus) để phát triển nền tảng Skywise – kho ứng dụng cho doanh nghiệp hàng không toàn cầu, mở rộng sức ảnh hưởng của FPT ra ngoài biên giới Việt Nam.

Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc công nghệ FPT  cho biết, FPT đã chia sẻ nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo FPT.AI để các chuyên gia công nghệ có thể xây dựng các chatbot giúp kết nối người dân với chính phủ.

Cuối cùng, ông Việt cho rằng, việc FPT xây dựng nền tảng toán online VioEdu vì tin rằng toán học là nền tảng chính cho bất cứ thứ gì khác. FPT cho ra mắt game toán học giúp học sinh học tập hiệu quả hơn để từ đó sẽ có thế hệ trẻ được đào tạo và huấn luyện bởi trí tuệ nhân tạo. Trong tương lai gần, FPT sẽ đưa vào hoạt động tổ hợp giáo dục – AI tại Quy Nhơn, Bình ĐỊnh.

Công nghệ AI là lĩnh vực đã và đang được FPT đặc biệt chú trọng đầu tư. Ngay từ khi bắt được mạch sóng ngầm của thị trường, năm 2013, FPT đã tiến hành đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển nền tảng AI.

Năm 2017, FPT chính thức ra mắt nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI dành riêng cho các lập trình viên để tạo ra các giao diện tương tác bằng ngôn ngữ tự nhiên, tích hợp vào các nền tảng hội thoại như Facebook Mesenger hoặc các ứng dụng hội thoại do doanh nghiệp tự phát triển và các thiết bị thông minh như robot, điện thoại di động, thiết bị điều khiển.

Năm 2018, đánh dấu bước tiến lớn của FPT.AI với sự ra mắt của 4 sản phẩm là: nền tảng hội thoại (FPT.AI Conversation); dịch vụ nhận dạng và xử lý giọng nói (FPT.AI Speech); xử lý ảnh và tài liệu (FPT.AI Vision); và hệ cơ sở tri thức (FPT.AI Knowledge).

Trong đó, FPT.AI Conversation ứng dụng trí tuệ nhân tạo với các công nghệ học máy và xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiên tiến nhất. Nền tảng này tích hợp trên các giao diện trò chuyện phổ biến như Facebook Messenger, Zalo, Website... Chatbot được xây dựng trên nền tảng FPT.AI cho phép người dùng tương tác trực tiếp với doanh nghiệp thông qua những cuộc đối thoại tự nhiên, hỗ trợ 1-1, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm hữu ích. Chatbot của FPT.AI giúp cho doanh nghiệp: giảm 70% chi phí hỗ trợ hoạt động; Giảm thời gian phản hồi khách hàng xuống 60%; Tương tác với khách hàng mọi lúc, mọi nơi và dễ dàng qua các giao diện hội thoại quen thuộc; Hỗ trợ Marketing qua các thông báo về chương trình khuyến mãi… Hiện có nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng nền tảng tạo lập chatbot này vào các hoạt động kinh doanh của mình như FPT Shop, FPT Telecom, Kichikichi…, và cả doanh  nghiệp nước ngoài như một tập đoàn hàng đầu về dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Mỹ, một trong ba nhà mạng viễn thông lớn nhất tại Singapore.

Tính đến tháng 7/2019, số lượng người dùng của FPT.AI đã lên đến gần 27.000 người, trong đó riêng từ thời điểm ra mắt nền tảng mới vào tháng 9/2018, đã có đến 16.000 người đăng ký sử dụng các dịch vụ của FPT.AI. Nền tảng mới này cũng đã thu về 36 triệu yêu cầu từ người dùng, trong đó nền tảng tạo bot có hơn 3 triệu yêu cầu với khoảng hơn 4.000 ứng dụng bot được tạo lập, các dịch vụ khác bao gồm dịch vụ chuyển đổi giọng nói thành văn bản, chuyển đổi văn bản thành giọng nói và trích xuất thông tin từ ảnh chụp các loại giấy tờ tùy thân đạt hơn 33 triệu yêu cầu.