Cuộc đấu tranh để ngăn chặn làn sóng tin giả về coronavirus được Bloomberg nhận định là một vấn đề toàn cầu. 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In hôm 30/1 đã lên tiếng cảnh cáo các hành vi lan truyền thông tin sai lệch về virus này - một hành vi "tội phạm nghiêm trọn". Malaysia và Thái Lan cũng đã bắt giữ một số kẻ tình nghi lan truyền tin tức giả về dịch bệnh.

Tại Thái Lan, các nhà chức trách cho biết họ sẽ buộc tội 7 người vì những bài đăng được cho là vi phạm Đạo luật về An ninh mạng năm 2017 của đất nước. Nếu bị kết tội, họ có thể phải đối mặt lên đến 5 năm tù giam và phạt tiền từ 3.200 USD.

Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha trước đó đã cảnh báo chính phủ  Thái Lan sẽ có hành động chống lại những kẻ kích động, gây hoang mang về virus trên không gian mạng. Coronavirus được cho là bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc và đến ngày 5/2/202 đã gây tử vong cho khoảng gần 500 người trên toàn thế giới (gần như tập trung toàn bộ ở Trung Quốc).

Trung tâm Chống tin tức giả của Thái Lan cũng đang theo dõi các nội dung liên quan đến coronavirus có thể gây ra rủi ro cho sức khỏe và có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế. Puttipong Punnakan, Bộ trưởng Kinh tế kỹ thuật số và phụ trách trung tâm cho biết hôm 31/1 rằng họ đã tìm thấy 15 nguồn tin giả và bắt giữ 2 người bị phát hiện vi phạm luật An ninh mạng.

Cuộc chiến chống fake news coronavirus của Việt Nam và châu Á - Ảnh 1.

"Xin đừng tin họ. Đừng chia sẻ tin tức không rõ nguồn gốc", ông Prayuth nói trong chuyến thăm sân bay Suvarnabhumi của Bangkok vào ngày 29/1. "Hãy tự tin vào hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta".

Ủy ban Truyền thông Đa phương tiện Malaysia và cảnh sát cho biết vào cuối ngày 30/1 rằng họ đã bắt giữ 6 người vì các bài đăng có chứa thông tin sai lệch về virus. Cảnh sát trước đó cho biết họ đang điều tra các bài đăng trên Facebook và Twitter với các thông tin sai lệch như tuyên bố về lượng khách du lịch Trung Quốc, các bệnh mới không được chính phủ công bố và các trường hợp tử vong liên quan đến virus ở nước này.

Singapore đã đưa ra luật chống tin tức giả mạo, hướng dẫn Facebook, người dùng Facebook và các ấn phẩm mang thông báo sửa chữa về các bài đăng và bài viết được cho là có chứa thông tin sai lệch về virus. Lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam cũng lên án sự lan truyền của tin tức giả mạo và bác bỏ tin đồn chính phủ đã chặn các lô hàng khẩu trang y tế.

Trong khi đó, ở Việt Nam, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu các cơ quan liên quan phải xác định công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm thực hiện sâu rộng, có hiệu quả nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, hạn chế mức thiệt hại thấp nhất do dịch bệnh gây ra. Đồng thời, cơ quan chức năng phải kịp thời ngăn chặn, xử lý có hiệu quả những thông tin sai lệch, lợi dụng tình hình để gây hoang mang trong xã hội và khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.

Cuộc chiến chống fake news coronavirus của Việt Nam và châu Á - Ảnh 2.

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã chủ trì trao đổi với Facebook và Google để yêu cầu: ngăn chặn, gỡ bỏ các video clips, thông tin sai sự thật về dịch bệnh; hiển thị kết quả khi người dùng trên lãnh thổ Việt Nam tìm kiếm các thông tin có liên quan về dịch bệnh tới các nguồn thông tin chính thống theo đề nghị chính thức của Việt Nam tại những kết quả đầu tiên.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ thị yêu cầu tăng cường công tác giám sát, phát hiện và xử lý các đối tượng tung tin thất thiệt, gây hoang mang trong dư luận xã hội.

Mạng xã hội Lotus của Việt Nam cũng đã xây dựng trang thông tin "Lá chắn Virus Corona", hướng đến việc cập nhật nhanh, đầy đủ và quan trọng nhất là chính xác tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới từ các cơ quan chính phủ chính thức. Trên "Lá chắn Virus Corona", người dùng có thể dễ dàng tiếp cận, theo dõi bám sát những chủ đề mà mình quan tâm giữa biển thông tin khổng lồ về Corona như hiện nay.

Link cập nhật thông tin tại: http://bit.ly/LachanvirusCorona

#ICT_anti_nCoV