Không phải ngẫu nhiên mà tại các công ty công nghệ, nam giới luôn chiếm số đông trong khi số lượng nhân viên nữ lại chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Mặc dù nhiều năm qua ngành IT đã nỗ lực thay đổi để giảm bớt tình trạng mất cân bằng giới tính, thế nhưng hiện trạng này vẫn khá phổ biến trong các doanh nghiệp CNTT tại Việt Nam bởi tư tưởng “mặc định” CNTT là của nam giới.

Theo đánh giá của hãng nghiên cứu McKinsey, GDP toàn cầu có thể tăng 12 nghìn tỷ đô la Mỹ đến năm 2025 bằng cách nâng cao quyền bình đẳng của phụ nữ. Mới đây, vào tháng 5/2019, theo nghiên cứu từ Sách Trắng với chủ đề “Mục tiêu cân bằng giới tính: Góc nhìn từ ngành CNTT” tổng hợp ý kiến hơn 2000 phụ nữ trên khắp thế giới cũng cho thấy việc gia tăng số lượng nhân viên nữ đem lại những tác động tích cực cho doanh nghiệp trong ngành CNTT.

Nghiên cứu đã chỉ ra dưới đây là 3 cách hiệu quả giúp các công ty công nghệ thu hút và giữ chân nhân viên nữ.

Chính sách phúc lợi đặc biệt riêng cho phụ nữ

CNTT được đánh giá là ngành có mức lương hấp dẫn, cao hơn mức lương trung bình của các ngành khác trên thị trường lao động. Tuy nhiên, cũng đi kèm với áp lực công việc lớn, phải thường xuyên làm thêm giờ, đòi hỏi chuyên môn cao về kĩ thuật, máy móc... Điều này có thể không ảnh hưởng nhiều tới nam giới, thế nhưng với phụ nữ, nhất là phụ nữ đã lập gia đình thì đây là chính vấn đề khiến họ ngần ngại ứng tuyển vào lĩnh vực công nghệ.

Theo dữ liệu Sách Trắng vừa công bố, 78% ý kiến cho rằng bên cạnh mức lương hấp dẫn thì các doanh nghiệp cần có những chế độ đãi ngộ riêng dành cho nhân viên nữ nhằm khuyến khích thêm nhiều phụ nữ tham gia vào ngành CNTT. Ví dụ như giờ làm việc linh động, tăng cường chế độ thai sản, chăm sóc sức khỏe định kỳ,… Một số doanh nghiệp như Microsoft đã đưa ra rất nhiều chính sách linh hoạt, cho phép phụ nữ có thể làm việc tại nhà và được phép nghỉ nếu cần thiết để chăm sóc bản thân và gia đình.

Việc đưa ra các lợi ích riêng theo giới tính có thể giúp khuyến khích phụ nữ tham gia nhiều hơn vào ngành CNTT.

Cơ hội đào tạo, phát triển kỹ năng

Một thực tế đáng buồn là, trong khi ngành CNTT là “mảnh đất màu mỡ” để học hỏi và phát triển thì 35% phụ nữ tham gia khảo sát cho biết họ không có nhiều cơ hội được đào tạo như các đồng nghiệp nam, 75% người được hỏi cho rằng công ty mà họ đang làm việc không có bất kỳ sáng kiến nào để họ phát triển các kỹ năng chuyên môn.

Để công nghệ thực sự trở thành “miền đất hứa” đối với các nhân viên nữ đang làm việc trong lĩnh vực này thì việc tổ chức các lớp đào tạo chuyên môn, trao đổi thông tin là vô cùng cần thiết, giúp phụ nữ cảm thấy họ được đảm bảo sự công bằng và cơ hội phát triển.

Bà Barinder Hothi, Giám đốc điều hành tập đoàn The Knowledge Academy cho biết: “Phụ nữ rất quan tâm đến việc duy trì và nâng cao các kỹ năng của mình, nhưng khi có một khóa học yêu cầu họ phải rời khỏi văn phòng trong năm ngày hoặc tương tự, họ có thể khó sắp xếp ổn thỏa giữa chuyện công việc và gia đình.”

Để nhân viên nữ có thể nâng cao các kỹ năng chuyên môn mà không ảnh hưởng đến thời gian dành cho gia đình của họ, một số ít doanh nghiệp như Tek Experts – công ty công nghệ hàng đầu về hỗ trợ dịch vụ IT toàn cầu - đã cung cấp mô hình đào tạo thông qua các khóa học hội thảo và trực tuyến một cách linh hoạt nhằm tạo ra cơ hội học tập chủ động cho nhân viên. Đặc biệt, Tek Experts còn cung cấp khóa học mang tên “Phụ nữ trong vai trò lãnh đạo” nhằm trao cho những nhân viên nữ của mình cơ hội phát triển để trở thành những nhà lãnh đạo tài ba.

Chương trình đào tạo riêng cho nữ giới giúp các công ty công nghệ “ghi điểm” trong mắt nhân viên nữ

Việc xây dựng một môi trường làm việc đầy triển vọng cho phụ nữ còn là một cách hữu hiệu để thu hút thêm các ứng viên nữ ứng tuyển vào các vị trí trong ngành CNTT.

Cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp

Phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam luôn bị hạn chế về cơ hội do nhận thức rằng vai trò trước hết và quan trọng nhất của phụ nữ là nội trợ và chăm sóc gia đình, họ phải luôn đặt gia đình lên hàng đầu.

Nhận thức này có tác động rất lớn lên khả năng phát triển và sự thành công của phụ nữ, vì thế họ thường bỏ lỡ mất các cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp vào tay những đồng nghiệp nam. Điều này cũng lý giải vì sao hầu hết các vị trí cao cấp trong các công ty công nghệ đều là nam giới trong khi phụ nữ chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (5-10%).

Khoảng 61% số phụ nữ được hỏi cho rằng việc thiếu các hình mẫu nữ là lý do vì sao phụ nữ ít ứng tuyển vào các vị trí ngành CNTT hơn nam giới.

Điều này cho thấy, việc xây dựng các hình mẫu, các câu chuyện thành công và gia tăng số lượng các nữ lãnh đạo sẽ giúp tăng sự tự tin, tạo động lực cho những phụ nữ khác tham gia vào ngành CNTT. Sự hiện diện của họ cho các ứng viên nữ và nhân viên nữ thấy được một điều: nhà tuyển dụng đánh giá cao tầm quan trọng của phụ nữ.

Để chiêu mộ và xây dựng một đội ngũ nhân viên nữ tài năng được trang bị đầy đủ kỹ năng, các doanh nghiệp phải tìm cách tạo ra môi trường phù hợp cho lao động nữ, thúc đẩy những cơ hội bình đẳng cho phép phụ nữ thăng tiến trong sự nghiệp để họ nhận ra giá trị và lợi ích khi tham gia vào ngành CNTT.