Giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa

Theo các chuyên gia, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) cùng với quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị, phát triển đô thị, thành phố thông minh đã trở thành xu thế tất yếu, là động lực cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và vùng miền.

Phát triển đô thị thông minh được kỳ vọng sẽ giúp các thành phố giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa và cho phép đạt được các mục tiêu như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; quản lý đô thị tinh gọn; bảo vệ môi trường hiệu quả; nâng cao năng lực cạnh tranh; cung cấp dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện; đồng thời tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm.

{keywords}
Xu hướng phát triển thành phố thông minh vẫn đang là chủ đề nóng và nhận được sự quan tâm đầu tư của các quốc gia, nền kinh tế trong khu vực. (Ảnh minh họa: Internet)

Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, xu hướng phát triển thành phố thông minh vẫn đang là chủ đề nóng và nhận được sự quan tâm đầu tư của các quốc gia, nền kinh tế. Chính phủ các nước ASEAN cũng đã hưởng ứng thành lập Smart City Network (ASCN) với sự tham gia của 26 thành phố trong khu vực. Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - Thái Bình Dương (ASOCIO) cũng đã thành lập riêng Ủy ban Smart City để thúc đẩy xu hướng này.

Còn tại Việt Nam, từ đầu tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (còn gọi là Đề án 950). Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, trong đó cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; đến năm 2030 sẽ hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Từng bước hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển đô thị thông minh

Trong chia sẻ tại hội nghị cấp cao Thành phố thông minh Việt Nam -ASOCIO 2021, ông Hoàng Hữu Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho biết, căn cứ các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án 950, đến nay các bộ, ngành đã từng bước hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển đô thị thông minh.

Cụ thể, với Bộ TT&TT, Bộ đã hoàn thành một số nhiệm vụ quan trọng được giao tại Đề án 950 như: Ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh phiên bản 1.0; Công bố bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 phiên bản 1.0; Hướng dẫn ứng dụng dịch vụ điện toán đám mây trong cơ quan nhà nước; Hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai cung cấp dữ liệu mở; Hướng dẫn mô hình tổng thể, yêu cầu chức năng, tính năng của Trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp tỉnh, cấp bộ phiên bản 1.0; Hướng dẫn các địa phương triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh trong năm 2020.

Bộ Xây dựng đã hoàn thành nhiệm vụ công bố Hướng dẫn chi tiết áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) với công trình dân dụng và công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và đang nghiên cứu để triển khai các nhiệm vụ khác.

Một số bộ, ngành khác như Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Bộ KH&CN, Bộ TN&MT cũng đã có các văn bản để góp phần hoàn thiện khung pháp lý, chính sách cho phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam. Đơn cử như, Bộ KH&CN đã công bố một số tiêu chuẩn quốc gia về phát triển bền vững cho cộng đồng và hạ tầng thông minh cho cộng đồng, trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn của ISO.

54 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai đô thị thông minh

Đáng chú ý, theo ông Hoàng Hữu Hạnh, thực tế đến nay, có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai đô thị thông minh; trong đó có 44 địa phương đạt được một số kết quả bước đầu. Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ các tỉnh đã triển khai đô thị thông minh cao nhất: đạt 100%, với 6/6 địa phương đã triển khai.

Thống kê cũng cho thấy, tính đến nay có 30 tỉnh, thành phố phê duyệt Đề án, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị thông minh; 15 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh; 38 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm Điều hành đô thị thông minh - IOC cấp tỉnh; và 21 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp đô thị, thành phố thuộc tỉnh.

{keywords}
Tính đến tháng 11, cả nước đã có 38 tỉnh, thành phố triển khai Trung tâm IOC cấp tỉnh.

Dẫu vậy, theo đại diện Cục Tin học hóa, phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam vẫn đang gặp phải một số tồn tại, hạn chế như: Phần lớn các địa phương đang tập trung nhiều cho dịch vụ đô thị thông minh, chưa quan tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị.

“Nếu chỉ tập trung cho phát triển dịch vụ đô thị thông minh thì mới chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề quản lý và phát triển đô thị, chưa giải được những vấn đề căn cơ, những bài toán lớn của đô thị như quy hoạch, giao thông, môi trường, năng lượng, rác thải...”, đại diện Cục Tin học hóa phân tích.

Bên cạnh đó, một số địa phương còn nóng vội trong triển khai đô thị thông minh, chưa hiểu thấu đáo về nội hàm, ý nghĩa của việc triển khai đô thị thông minh mà chỉ học hỏi một cách máy móc mô hình của địa phương khác hoặc mô hình quốc tế để triển khai trong khi chưa xem xét mức độ phù hợp với đặc thù của địa phương mình.

Ngoài ra, một số địa phương cũng chưa chủ động và làm chủ trong việc đặt đầu bài cụ thể để giải quyết các vấn đề đặc thù của địa phương mà phụ thuộc vào tư vấn và các sản phẩm sẵn có của doanh nghiệp dẫn đến việc nhiều địa phương triển khai các nội dung đơn lẻ, thiếu tính tổng thể và thiếu một kiến trúc nhất quán.

“Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ ngành liên quan sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có định hướng cụ thể hơn cho các địa phương trong phát triển đô thị thông minh”, đại diện Cục Tin học hóa thông tin thêm.

Vân Anh

Phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt với quá trình chuyển đổi số địa phương

Phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt với quá trình chuyển đổi số địa phương

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, trong bối cảnh Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, phát triển đô thị thông minh chính là chuyển đổi số trong đô thị đó. Thành phố thông minh không thể tách rời quá trình chuyển đổi số địa phương.