Hệ thống điểm chấp nhận thanh toán chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị hoặc tại các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng lớn. Vì vậy, thanh toán điện tử hiện nay tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thanh toán bán lẻ của người dân khu vực thành thị, còn đối với khu vực nông thôn thì hầu như không có sự hiện diện.

Phân tích những vấn đề cần giải quyết của hạ tầng thanh toán số tại Việt Nam hiện nay, đại diện Viettel chỉ rõ 4 vấn đề lớn. “Chúng ta cần quy hoạch thiết kế xây dựng hạ tầng thanh toán số quốc gia đồng bộ, thống nhất, cho phép các tổ chức tài chính trong nước, quốc tế sử dụng hạ tầng mạng lưới rộng khắp của các đơn vị viễn thông để triển khai các dịch vụ cho người dân với chi phí thấp” đại diện Viettel cho biết.

Một là quy hoạch chưa nhất quán và đồng bộ hệ thống thanh toán số. Hiện có 87 ngân hàng, 26 tổ chức trung gian thanh toán, 23 ví điện tử tại Việt Nam (gọi chung là tổ chức tài chính) phải thực hiện kết nối với hàng trăm nghìn tổ chức/doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ thanh toán. Tuy nhiên, tại một điểm chấp nhận thanh toán, mỗi đơn vị lại chủ động xây dựng hệ thống trang thiết bị thanh toán riêng của đơn vị mình dẫn tới lãng phí và không tận dụng được hạ tầng chung.

Các hình thức thanh toán mới như NFC, QR Code, sinh trắc học... bắt đầu phát triển nhưng chưa được quy hoạch, đánh giá để triển khai diện rộng.

Hai là các hệ thống thanh toán chưa phổ cập khắp mọi miền của đất nước. Các tổ chức tài chính chỉ tập trung phát triển mạng lưới, khách hàng tại những khu vực thành thị, hướng tới đối tượng người dân thu nhập cao, có tài khoản ngân hàng. Đối tượng người dân vùng sâu vùng xa, thu nhập thấp và có thói quen tiết kiệm vẫn cần một dịch vụ tài chính rẻ và dễ tiếp cận.

Hạ tầng thanh toán số trên di động như hóa đơn điện, nước, truyền hình, điện thoại, internet, bảo hiểm, tài chính cá nhân, hành chính công... đã được triển khai nhưng phạm vi chưa tương xứng với tiềm năng thị trường.

Ba là hệ thống thanh toán số “thuần Việt” nhỏ và yếu, các hệ sinh thái thanh toán số có yếu tố nước ngoài là chủ yếu. Thị trường thanh toán số - thương mại số của các doanh nghiệp “thuần Việt” đang phát triển manh mún, thiếu chiến lược bài bản.

Thực tế đã có nhiều công ty thanh toán số - thương mại số “thuần Việt” ra đời dưới dạng khởi nghiệp nhưng do thiếu tiềm lực tài chính nên phải kêu gọi đầu tư từ nước ngoài. Năm 2017, tại Việt Nam có khoảng 20 doanh nghiệp thương mại điện tử lớn đang hoạt động, trong đó có đến 17 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu nhận vốn từ Trung Quốc.

Bốn là kiểm soát thanh toán xuyên biên giới còn hạn chế. Các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam có thể dễ dàng mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, chơi trò chơi trực tuyến tại nước ngoài và ngược lại người nước ngoài có thể dễ dàng mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin (mobile app, website...), trong khi đó, các cơ quan quản lý Nhà nước chưa thể quản lý, kiểm soát một cách chặt chẽ, dẫn tới việc thất thu thuế.

“Để giải quyết các tồn tại nêu trên, bằng kinh nghiệm thế giới cho thấy, chúng ta cần quy hoạch thiết kế xây dựng hạ tầng thanh toán số quốc gia” đồng bộ, thống nhất, dùng chung cho mọi tổ chức tài chính trên cơ sở liên thông, hợp nhất các tiêu chuẩn nghành, cho phép các tổ chức tài chính trong nước, quốc tế sử dụng hạ tầng mạng lưới rộng khắp của các đơn vị viễn thông để triển khai các dịch vụ cho người dân với chi phí thấp”,  đại diện Viettel đề xuất.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán các khoản giá trị nhỏ

Đại diện Viettel nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng hạ tầng chấp nhận thanh toán dùng chung. Theo đó, cần xây dựng hạ tầng mạng lưới các điểm chấp nhận thanh toán điện tử (từ siêu thị, khách sạn, nhà hàng, cho tới cửa hàng tạp hoá…) với quy mô khoảng 500.000 điểm trên toàn quốc, phủ được 100% các quận huyện và 80% các phường xã; Xây dựng hệ thống thanh toán hoá đơn điện tử tập trung (từ y tế, giáo dục, dịch vụ công, cho tới điện, nước, truyền hình, điện thoại…) và kết nối liên thông tới toàn bộ cơ quan thuế tại Trung ương cũng như địa phương.

Hạ tầng chấp nhận thanh toán dùng chung này đáp ứng mọi phương tiện thanh toán được phát hành bởi các ngân hàng, trung gian thanh toán, các tổ chức tài chính, các tổ chức thanh toán trong và ngoài nước. Trên cơ sở sử dụng hạ tầng chuyển mạch bù trừ để kết nối, các thành phần tham gia không cần phải đi lắp đặt riêng các thiết bị máy POS, QRCode, NFC… do đó giảm thiểu chi phí đầu tư của xã hội và đạt được mức chi phí thấp cho người dân.

Đặc biệt, đại diện Viettel cũng khuyến nghị phát triển mạnh hơn hơn nữa dịch vụ sử dụng tài khoản viễn thông trong thanh toán điện tử giá trị thấp.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc sử dụng tài khoản thuê bao di động để tiêu dùng dịch vụ giá trị nhỏ đã được áp dụng rộng rãi tại Nhật Bản, Singapore và các nước thuộc liên minh EU. Trong đó ứng dụng tập trung ở các loại giao dịch như: thanh toán trên các trang thương mại điện tử (ví dụ: thuê bao NTT Docomo được phép thanh toán bằng tài khoản viễn thông trên trang thương mại điện tử Amazon Nhật bản); nạp tiền vào ví điện tử (ví dụ: ví điện tử Dash của Singtel); thanh toán phí dịch vụ giao thông công cộng, phí đỗ xe tại nhiều nước châu Âu; và nhiều loại hình giao dịch có giá trị nhỏ như dịch vụ truyền hình, thẻ quà tặng, thanh toán tại cửa hàng bán lẻ, thanh toán các dịch vụ nội dung số như Game, chợ ứng dụng (Google Play, Itune…)… Tỷ lệ giao dịch sử dụng tài khoản thuê bao di động cao gấp 5 lần việc sử dụng tài khoản ngân hàng.

Tại Việt Nam, việc sử dụng tài khoản di động để thanh toán đã được áp dụng cho các loại hình dịch vụ như: quyên góp cho các chương trình từ thiện, thanh toán các ứng dụng nội dung số và mới đây là thí điểm áp dụng cho việc thanh toán phí đỗ xe I-Parking tại Hà Nội và My-Parking tại TP.HCM. Kết quả của việc thí điểm thanh toán dịch vụ đỗ xe cho thấy tỷ lệ người dùng tài khoản viễn thông là 94% so với 6% sử dụng tài khoản ngân hàng.

“Phương án sử dụng tài khoản thuê bao di động để thanh toán các khoản giá trị thấp ở Việt Nam sẽ tạo điều kiện, cơ hội để phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán di động hiện đại, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt phù hợp với nhóm dân cư khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vốn ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng truyền thống”, đại diện Viettel nhận định.