Vietnam Mobile Day 2018 vừa kết thúc hồi tuần trước tại Hà Nội. Theo ban tổ chức, sự kiện thu hút khoảng 4.000 lượt người tham dự. Trước đó một tuần, triển lãm và hội thảo này đã được tổ chức tại TP.HCM.

Tại các hội thảo, những xu hướng công nghệ mới nhất được cập nhật, những số liệu mới được công bố và rất nhiều vấn đề công nghệ được quan tâm hiện nay được đem ra chia sẻ bởi các chuyên gia đầu ngành. Dưới đây là những điểm nổi bật được nói đến tại Vietnam Mobile Day 2018 tại Hà Nội.

Phát biểu tại sự kiện, ông Dương Thành Trung, quản lý bộ phận Consumer Insights của Nielsen Vietnam cho biết Việt Nam hiện đang có khoản 49,5 triệu thiết bị smartphone, ước tính đến năm 2020 con số này sẽ tăng lên 58,4 triệu thiết bị.

Hơn thế nữa, Việt Nam hiện nay đang nằm trong top những nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới, tính đến năm 2020 sẽ có hơn 55% người dùng Việt kết nối Internet.

Trong đó, số lượng người chỉ dùng điện thoại để kết nối Internet đặc biệt cao ở độ tuổi thế hệ Z (sinh năm 1996 – 2005), chiếm tỷ lệ rất cao so với tỷ lệ người chỉ sử dụng máy vi tính hoặc sử dụng nhiều thiết bị khác nhau. Đây cũng chính là một lợi thế cho sự phát triển của Mobile Marketing trong thời gian tới.

Bên cạnh những xu hướng đã được nhắc đến trong những năm trước: Mobile App, Mobile Video, SMS Marketing, Mobile Remarketing,… thì trong năm nay xu hướng Messaging App (ứng dụng nhắn tin, chat) là một “điểm sáng” mà các nhà tiếp thị cần lưu ý.

Bà My Nguyễn, đứng đầu nhóm tiếp thị sản phẩm Zalo, cho biết “tỷ lệ mở của các ứng dụng nhắn tin hiện nay là 98% cao gấp 4,9 lần so với email. Trong khi đó, ông Phạm Hải Văn – Trưởng đại diện Haravan phía Bắc - khẳng định khi bắt đầu ngày mới, 85% người dùng mở và đọc các ứng dụng tin nhắn, trong khi tỷ lệ này ở emai là 5-7%.

Các ứng dụng tin nhắn, chat hiện nay có những ưu điểm như thuận tiện, thân thiện, cá nhân hóa, tương tác cao. Chính vì vây, các ứng dụng tin nhắn hứa hẹn sẽ là nơi tiềm năng cho quảng cáo trên di động trong thời gian tới.

VUI – tương lai mới của mobile

VUI (Voice User Interface), giao diện giọng nói người dùng, không phải là khái niệm quá mới. VUI xuất hiện lần đầu tiên từ năm 1979, nhưng cho đến thời gian gần đây khi các “ông lớn” công nghệ như Apple với Siri, Google ra mắt Google Now, Amazon “trình làng” Alexa và Microsoft nhập cuộc với Cortana,… hay IBM và Facebook cũng bắt đầu tham gia vào cuộc chơi này, khiến VUI bắt đầu nhận được nhắc đến nhiều hơn.

Ông Lê Ngọc Tuấn – Trưởng phòng sản phẩm IoT FPT - chia sẻ tại sự kiện: ước tính đến năm 2020 sẽ có 1 triệu thiết bị IoT được bán ra mỗi ngày, và có 50 tỷ thiết bị được tích hợp VUI. Đến năm 2020 các trợ lý ảo sẽ thay thế 40% các tương tác của con người trên mobile.

Lý giải rõ hơn về sự phát triển bùng nổ của VUI hiện nay, cũng như trong thời gian tới, thì hai yếu tố quan trọng nhất là: độ chính xác của hệ thống và độ trễ phản hồi hệ thống.

Hầu như các hệ thống giao diện giọng nói đang gần tiến đến độ chính xác trong việc nhận dạng và hiểu ngôn ngữ ở ngưỡng 99%, đồng thời giảm độ trễ (latency) trong việc phản hồi của hệ thống. Ví dụ như sản phẩm Amazon Echo, gần đây đã cải thiện được độ trễ từ lúc người dùng ra lệnh cho đến lúc Echo phản hồi từ khoảng 9 giây xuống còn 1,5 giây – anh Tuấn cho biết thêm

Hồi đầu tháng 5/2017 khi Google cung cấp một bộ phát triển phần mềm (SDK) cho nền tảng Google Assistant (Trợ lý ảo hỗ trợ giọng nói của Google) để các lập trình viên có thể tạo ra các nguyên mẫu phần cứng sử dụng công nghệ này càng cũng cố hơn niềm tin của nhiều người vào tương lai tươi sáng của VUI.

Chatbot cuộc chơi không chỉ dành cho người mạnh nhất

“Messaging apps hiện nay đang phát triển vượt bậc, thậm chí đã vượt mạng xã hội để trở thành nền tảng tương tác chính” – bà My Nguyễn nói.

Điều này dẫn đến việc nhu cầu phát triển các ứng dụng chat tự động (chatbots) cho doanh nghiệp. Tại Vietnam Mobile Day 2018 nhiều chuyên gia cũng đánh giá sự tăng trưởng của chatbot trong thời gian này đã tạo nên nhiều tác động tích cực tới doanh nghiệp. Không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí nhân sự, chi phí vận hành, chăm sóc khách hàng mọi lúc 24/7, mà còn cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng,...

Cùng với sự sự phát triển của mã nguồn mở, đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực từ Microsoft, Google hay Facebook… trong việc cung cấp các nền tảng cho những nhà phát triển khác sử dụng để tạo nên chatbot của riêng họ như nền tảng API.AI của Google, Microsoft Bot Framework và IBM Watson. Điều này đã tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các nhà lập trình, phát triển và startup công nghệ nào cũng có thể tiếp cận được và tạo nên sản phẩm của riêng mình.