Hết năm 2020 đưa Việt Nam vào Top 75 nước dẫn đầu thế giới về Chính phủ điện tử

Một mục tiêu được Chính phủ đề ra tại Nghị quyết 02 ban hành ngày 1/1/2019 là năm 2020 nâng xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên hợp quốc lên 10-15 bậc (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) được Liên hợp quốc thực hiện 2 năm/lần, xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử của các quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên của tổ chức mình một cách tương đối thông qua việc khảo sát, đánh giá kết quả các quốc gia và vùng lãnh thổ đạt được trong 3 nhóm chỉ số thành phần, bao gồm: Chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI), Chỉ số hạ tầng viễn thông (TII) và Chỉ số nguồn lực (HCI).

Với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử, trong những năm gần đây và đặc biệt là năm 2018, Bộ TT&TT đã quyết liệt chỉ đạo nâng cao Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam ở cả 3 chỉ số thành phần.

Kết quả, mặc dù chưa đạt được mục tiêu mong muốn theo nhưng Việt Nam được xếp vào nhóm các nước phát triển Chính phủ điện tử ở mức cao và mức xếp hạng đang có xu hướng tăng lên.

Cụ thể, theo công bố của Liên hợp quốc, qua 3 kỳ đánh giá gần đây lần lượt vào các năm 2014, 2016 và 2018, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đã liên tục tăng, từ mức 0,47 năm 2014 lên mức 0,51 vào năm 2016 và đạt trên 0,59 vào năm 2018, đưa Việt Nam tăng từ hạng 99 (năm 2014) lên 89 (2016) và tiếp tục nâng lên thứ hạng 88/193 quốc gia, đứng thứ thứ 6/11 quốc gia trong khu vực ASEAN.

Trong đó, riêng với năm 2018, Chỉ số Dịch vụ công trực tuyến (OSI) tăng đáng kể, 15 bậc so với xếp hạng của Liên hợp quốc năm 2016 (59/193 quốc gia); Chỉ số nguồn nhân lực (HCI) tăng nhẹ so với 2016 (xếp hạng 120/193), cao hơn mức trung bình của thế giới. Tuy nhiên, Chỉ số Hạ tầng viễn thông (TII) liên tục giảm trong 3 kỳ báo cáo gần nhất, nằm dưới mức trung bình của cả khu vực và thế giới (xếp hạng 100/193 quốc gia).

Trao đổi với ICTnews, ông Phan Thanh Sơn - Giám đốc Công nghệ Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) nhấn mạnh, việc chỉ số dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam năm 2018 tăng tới 15 bậc thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của cơ quan nhà nước trong 2 năm qua được xã hội và quốc tế ghi nhận.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Trung – CEO Công ty công nghệ DTT, Liên hợp quốc xếp hạng Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của các nước thành viên vào 4 mức: rất cao, cao, trung bình và thấp. “Trong đó, năm 2018, với việc đạt 0,5931 điểm, Việt Nam được Liên hợp quốc xếp vào nhóm nước có Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử ở mức cao song cũng mới chỉ vừa đủ để vào mức cao, có thể đánh giá mức độ phát triển của chúng ta vẫn đang chỉ đạt trung bình trên phạm vi toàn cầu”, ông Trung nêu quan điểm.

Ông Trung cũng cho rằng, điều quan trọng hơn cần phải lưu ý với đánh giá Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc chính là tổ chức này đã đưa ra một lộ trình phát triển Chính quyền số và sẽ thay đổi các chỉ số đánh giá, trong đó tập trung nhiều vào dữ liệu và dữ liệu mở chứ không phải chỉ là dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng và nguồn nhân lực.

“Tất nhiên, thời gian tới, các chỉ số về hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực vẫn rất quan trọng, nhưng sự tham gia của người dân – vốn là một chỉ số mà Liên hợp quốc hiện có đánh giá nhưng không xếp hạng thì trong tương lai có thể sẽ trở thành một chỉ số quan trọng mà Việt Nam cần quan tâm”, người đứng đầu Công ty DTT nhấn mạnh.

Trong phương hướng công tác năm 2019, Bộ TT&TT đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là nâng cao thứ hạng quốc gia qua việc tập trung triển khai chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ điện tử, thành phố thông minh; nâng cao Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam, đặc biệt là 2 nhóm chỉ số thành phần về dịch vụ công trực tuyến và hạ tầng viễn thông. Phấn đấu hết năm 2020, Việt Nam vào nhóm 75 quốc gia dẫn đầu trên thế giới về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc.

Trước đó, tại Nghị quyết 02 ban hành ngày 1/1/2019, Chính phủ đã đề ra mục tiêu năm 2020 nâng xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên hợp quốc lên 10-15 bậc. Chính phủ cũng đã giao Bộ TT&TT làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử.