{keywords}
 

Trước áp lực chính trị và luật pháp, Facebook và Google cam kết chi tổng cộng 600 triệu USD hỗ trợ các tòa báo khắp thế giới. Hàng ngàn tòa soạn sẽ nhận được hỗ trợ tài chính và các hình thức khác, từ xác minh thông tin đến đưa tin, đào tạo.

Một số nhà xuất bản bày tỏ sự cảm kích trước hành động này của hai “ông lớn” công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, theo Reuters, vài lãnh đạo và chuyên gia truyền thông cho rằng số tiền hỗ trợ - kéo dài 3 năm – không thể bù đắp được hàng chục tỷ USD thất thu của các tòa soạn do thị trường quảng cáo kỹ thuật số rơi vào tay những người khổng lồ. Hãng nghiên cứu eMarketer chỉ ra tại Mỹ, năm 2020, Google và Facebook chiếm 54% doanh thu quảng cáo kỹ thuật số.

Có người xem số tiền đóng góp 300 triệu USD từ mỗi công ty chỉ là một cách để đẩy lùi khiếu nại của nhà xuất bản, đồng thời làm đẹp hình ảnh trên truyền thông. Cả Facebook và Google đều đang đối mặt với các trận chiến liên quan đến nội dung tin tức trên toàn cầu và kiện tụng từ nhà quản lý.

Maribel Perez Wadsworth, Chủ tịch USA Today Network, nhận xét nó chỉ như “muối bỏ bể”. “Các nhà xuất bản tin tức không xin từ thiện. Chúng tôi chỉ đơn giản yêu cầu sân chơi công bằng”. Emily Bell, Giám đốc Trung tâm Báo chí kỹ thuật số Đại học Columbia, nói số tiền cần thiết cho các phòng tin tức trong ngắn hạn nhưng không tới mức gây tác động lâu dài và không thực sự thay đổi được gì.

Trong khi đó, Facebook và Google lại khẳng định họ thực sự muốn hỗ trợ các tờ báo địa phương và khu vực, sẽ tiếp tục ủng hộ sau khi sáng kiến 600 triệu USD ban đầu hết hạn.

Theo Campbell Brown, Giám đốc Quan hệ báo chí của Facebook, mục tiêu của dự án Facebook Journalism là giúp các nhà xuất bản “chuyển đổi hiệu quả và thành công trong thế giới số, nơi họ phải tìm ra đối tượng độc giả riêng biệt”. Còn Ben Monnie, Giám đốc Quan hệ đối tác toàn cầu Google, chia sẻ công ty muốn đảm bảo có một hệ sinh thái năng động, khỏe mạnh cho báo chí chất lượng.

Reuters tham gia cả hai sáng kiến của Google và Facebook. Theo dự án Facebook Journalism, Reuters nhận được một số tiền để phát triển khóa đào tạo báo chí đa phương tiện cho các nhà báo.

Ngoài số tiền 600 triệu USD, Facebook và Google còn nhiều đóng góp khác cho ngành công nghiệp tin tức. Chẳng hạn, năm ngoái, mỗi công ty cam kết chi 1 tỷ USD dưới những hình thức như tín dụng quảng cáo để trả tiền cho nội dung tin tức. Theo thỏa thuận, Google sẽ trả phí nội dung cho các hãng tin như Reuters để đăng trên News Showcase.

Năm 2020, Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters đã nhận được 19 triệu USD tín dụng từ Google và 4 triệu USD từ Facebook. Theo hai công ty, nhà xuất bản được hưởng lợi khi sử dụng nền tảng của họ, tăng lưu lượng truy cập, dẫn đến doanh thu quảng cáo và tài khoản thu phí tăng.

Tiền đi về đâu?

Theo báo cáo kinh doanh trong 3 năm qua, Facebook và Google kiếm được 607 triệu USD từ quảng cáo. Họ nằm trong số những người đóng góp lớn nhất cho ngành công nghiệp tin tức. Dù vậy, hai nền tảng công bố rất ít thông tin về cách giải ngân số tiền 600 triệu USD.

Google đã chi khoảng 198 triệu USD, trong đó 81 triệu USD nhằm nâng cao chất lượng báo chí thông qua các khóa đào tạo, hướng dẫn dùng sản phẩm Google trong hoạt động đưa tin. Công ty dự định chi số tiền còn lại trước cuối năm nay và liệt kê 6.250 “đối tác tin tức” trong dự án, từ AP, BuzzFeed News đến Cook Islands News.

Facebook đã tiêu xong 300 triệu USD, hơn một nửa hỗ trợ báo chí địa phương. 80,3 triệu USD trong số này đổ vào một chương trình giúp các phòng tin tức thu hút thêm thuê bao thu phí. Dự án cũng bao gồm nhiều thỏa thuận độc quyền với nhà xuất bản.

Một số lãnh đạo báo chí cho biết họ đang thúc đẩy để các hãng công nghệ trả nhiều hơn cho nội dung và ưu tiên hơn nữa thông tin gốc. Facebook và Google đã thay đổi thuật toán theo hướng này. Trong khi đó, vài tòa soạn cảm thấy như vừa được nhận “phao cứu sinh”. Một quản lý tại tờ Post & Courier cho biết khóa đào tạo do Google tài trợ giúp họ xác định được khối lượng và giá các gói thu phí để trang trải chi phí. Tổ chức phi lợi nhuận Cityside lại dùng 1,56 triệu USD từ Google để giúp thành lập và hỗ trợ trang tin địa phương Oaklandside.

Bạn và thù

Các nhà xuất bản khác tỏ ra bất mãn hoặc thể hiện cảm xúc phức tạp hơn khi xem các “ông lớn” công nghệ vừa là bạn, vừa là thù. Facebook, Google gây ảnh hưởng lớn đến doanh thu quảng cáo của báo chí vì thuật toán xác định bài báo nào sẽ nằm ở vị trí nổi bật trên Google Search hay Bảng tin Facebook.

Google điều hành một trong các sàn giao dịch quảng cáo trực tuyến lớn nhất thế giới, nơi lệnh bán và mua được thực hiện tự động qua phần mềm. Do Google cạnh tranh với tư cách cả người mua và người bán lớn nhất trên sàn đó, nó có thể định hướng kinh doanh có lợi cho bản thân. Trong khi đó, chỉ riêng tại Mỹ, doanh thu quảng báo báo in và điện tử giảm còn 14,3 tỷ USD năm 2018 từ 49,4 tỷ USD năm 2005.

Vào ngày 7/6, theo dàn xếp với cơ quan chống độc quyền Pháp, Google đồng ý chia sẻ nhiều dữ liệu hơn với người mua quảng cáo trên toàn cầu, từ đó giảm một số lợi thế cạnh tranh so với các nhà xuất bản.

Facebook và Google đối mặt với nhiều thách thức pháp lý khác. Chẳng hạn, trang web tin tức The Nation và hãng tin HD Media nằm trong số các nhà xuất bản kiện Facebook, Google độc quyền trong vài tháng gần đây. Các nhà chức trách Mỹ cũng đâm đơn kiện hai công ty này, một số bang tố cáo Google thống trị quy trình đặt chỗ quảng cáo trực tuyến bất hợp pháp.

Đáp lại, cả hai phủ nhận hành vi kinh doanh của mình gây thiệt hại cho nhà xuất bản. Google khẳng định mọi người sử dụng Google vì họ lựa chọn như vậy chứ không phải bị cưỡng ép.

Frank Blethen lại nhìn mọi thứ theo cách khác. Ông chủ tờ Thời báo Seattle cho biết tờ báo của ông tham gia chương trình do Google và Facebook tài trợ. Song “nếu Facebook và Google không độc quyền quảng cáo và tìm kiếm như họ đang làm, báo chí vẫn có thể kiếm ra tiền”, ông nói.

Du Lam (Theo Reuters)

Thêm một hãng truyền thông Úc ký thỏa thuận 'béo bở' với Facebook, Google

Thêm một hãng truyền thông Úc ký thỏa thuận 'béo bở' với Facebook, Google

Nhà xuất bản và đài truyền hình Nine Entertainment của Australia cho biết, đã ký hợp đồng cung ứng nội dung nhiều năm với Google và Facebook.