Bitcoin trải qua một tuần biến động giá nhẹ. Kể từ ngày 11/4 đến nay, giá đồng tiền số dao động từ 39.442 USD đến 42.380 USD, chênh lệch gần 3.000 USD/BTC, loanh quanh mức 7,44%. 

Mức chênh lệch giá như trên không có gì đáng nói nếu so chênh lệch giá 35,7% trong vòng 3 tháng trở lại đây. Thậm chí con số này khá nhỏ nếu so với dao động 68% được ghi nhận hàng năm của BTC.

{keywords}
Bitcoin hiện vẫn chưa thể trở về vùng xanh của tháng trước. (Ảnh chụp màn hình trang Coinmarketcap)

Tuy vậy, điều quan trọng là Bitcoin đã không chạm mốc 48.000 USD hay giảm xuống 30.000 USD như một số dự đoán. Đồng tiền mã hoá phổ biến nhất thế giới dù có dao động nhưng không quá mạnh, khiến nhiều nhà đầu tư chưa thể xác định được BTC sẽ được xem là một tài sản cố định như vàng, hay nó sẽ tăng giảm bất định theo thị trường tiền mã hoá nói chung.

Chỉ mới tháng trước, BTC còn giao dịch ở mức cao nhất trên 47.000 USD và dao động quanh mốc từ 42.000 USD trở lên, khiến các nhà đầu tư lạc quan cho rằng đồng mã hoá lâu đời này có thể lên 48.000 USD hoặc hơn. Song những thông tin bi quan ở các thị trường tài chính lớn đã khiến giá đóng cửa của BTC giảm ngay sau đó.

Cụ thể, hôm 12/4, Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 ở mức 8,5%, cao nhất kể từ năm 1981. Trong khi đó, tại Vương quốc Anh, chỉ số CPI tăng lên 7%, cao nhất trong vòng 30 năm qua.

Trang Cointelegraph đánh giá vì những lý do trên, các nhà giao dịch tiền điện tử ngày càng lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ sẽ tăng lãi suất trong suốt năm 2022 để kiềm chế áp lực lạm phát. Nếu các nền kinh tế toàn cầu bước vào thời kỳ suy thoái, các nhà đầu tư có thể sẽ rời xa một số loại tài sản có rủi ro như tiền điện tử. Những lo lắng này nhuốm màu Bitcoin và toàn bộ thị trường tiền số sang sắc đỏ kể từ thời điểm đó đến nay.

Nhưng việc đánh giá Bitcoin nói riêng và các đồng tiền điện tử phổ biến khác là tài sản rủi ro có vẻ không nhận được đồng thuận từ các nhà phân tích khác. Điều này còn thể hiện rõ ở việc dù có biến động giá, song BTC vẫn chưa thấp hơn mốc 37.000 USD hồi cuối tháng 2.

Việc xác định Bitcoin, Ethereum là tài sản rủi ro hay tài sản bảo đảm cần thời gian để phân định. Song việc rơi giá của hai đồng tiền này và các đồng mã hoá khác gần đây làm chững lại những dự báo lạc quan.

Hồi năm ngoái, BTC hai lần cán mốc 60.000 USD, làm tăng giá trị vốn hoá toàn thị trường lên hơn 1 ngàn tỷ USD, là đồng tiền số giá trị nhất toàn cầu. Song việc rơi xuống mốc 40.000 USD hiện nay khiến vốn hoá thị trường của nó chỉ còn 800 tỷ USD. Ethereum, tiền điện tử lớn thứ hai sau Bitcoin, đạt mức vốn hóa thị trường cao nhất 500 tỷ USD vào tháng 11 năm ngoái. 

Bỏ qua những biến động gần đây, nếu Bitcoin vẫn giữ đà tăng trưởng trung bình hàng năm là 159%, đồng tiền này có thể trở lại mốc nghìn tỷ USD sớm nhất vào đầu năm sau, Forbes dẫn nghiên cứu từ Crypto Head - trang web phân tích và đánh giá ngành tài sản kỹ thuật số.

Mặc dù tỷ lệ tăng trưởng trong lịch sử cho thấy nhiều loại tiền điện tử lớn, trong đó có Bitcoin, có thể đạt mức cao nhất mọi thời đại những năm tới, song những người theo dõi thị trường tiền điện tử không thể đưa ra đánh giá chắc chắn trong ngắn hạn.

“Bitcoin đã bị bán tháo trong quý cuối cùng của năm 2021, nhưng sang năm 2022 lại giao dịch tương đối khó đoán. Tuy nhiên, thị trường có thể sẽ quan tâm Bitcoin hơn trong thời gian tới”, Paul Robinson, chiến lược gia tại DailyFX, nêu ý kiến trong bài viết của Forbes.

Sự biến động của Bitcoin thời gian vừa qua phù hợp với thị trường chứng khoán và chịu ảnh hưởng của lập trường Cục Dự trữ liên bang Mỹ, và từ cuộc chiến của Nga - Ukraine.

Do đó, ông Robinson dự báo thị trường tiền điện tử có thể tiếp tục diễn biến phức tạp hơn.

Hải Đăng

Sàn tiền ảo cam kết mua 10 tỷ USD Bitcoin làm tài sản đảm bảo

Sàn tiền ảo cam kết mua 10 tỷ USD Bitcoin làm tài sản đảm bảo

Xu hướng đưa Bitcoin trở thành đồng tiền dự trữ tiếp tục lan rộng, khi một sàn giao dịch tiền ảo cam kết mua vào 10 tỷ USD đồng tiền mã hoá hàng đầu này để dự trữ cho đồng “stablecoin” do công ty phát hành.