Sáng nay 20/5, thị trường tiền số hồi phục nhẹ, không còn cảnh đỏ sàn như trước. Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, hầu hết các đồng tiền số đều tăng trưởng trong vòng 24 giờ qua, và tăng khả quan so với 7 ngày trước.

{keywords}
Toàn thị trường tiền mã hoá hồi phục nhẹ sáng 20/5. (Ảnh chụp màn hình trang CoinMarketCap)

Bitcoin (BTC), đồng coin phổ biến nhất thế giới, giao dịch quanh mức 30.200 USD, tăng 4,4% so với một ngày trước, tăng 2,28% so với cách đây một tuần. Ethereum (ETH), đồng tiền có giá trị chỉ đứng sau BTC, cũng tăng trưởng tương đương, lên 2.010 USD.

Đồng BNB của sàn Binance lên giá tốt hơn so với hai coin ở trên, đạt mức 305 USD, tăng hơn 9% so với 7 ngày trước. Một coin phổ biến khác cũng tăng trưởng lạc quan là SOL (Solana), lên 51,96 USD (10,44% so với cách đây một tuần).

Trong số các dự án nổi bật trong năm nay, GMT (đồng coin quản trị của StepN) tăng trưởng tốt nhất, lên 1,53 USD, tương ứng với mức 9,53% trong 24 giờ qua và 22,37% so với 7 ngày trước. Trong khi đó, NEAR (Near Protocol) giảm 11,43% so với tuần vừa rồi, xuống 6,06 USD.

Sự hồi phục của đa số tiền mã hoá kéo theo giá trị vốn hoá toàn thị trường tăng lên 1,28 ngàn tỷ USD (tăng 3,96% so với cách đây một ngày).

Dù tăng trưởng trở lại song chưa có đồng coin phổ biến nào tìm được mốc giá cũ. Hầu hết các đồng coin đề cập trong bài này đều mất khoảng 25% giá trị so với thời điểm trước khi thị trường lao dốc hồi đầu tháng này.

Sự rớt giá của Bitcoin dẫn đến nhiều nhận định trái chiều. Có người cho rằng đây là sự mất phong độ tạm thời, nhóm khác đánh giá thị trường đang đi xuống, trong khi có ý kiến chỉ ra đây là “kỳ ngủ đông của tiền điện tử”.

S.P, một nhà đầu tư người Việt sống tại Châu Âu cho biết, ông vẫn đặt niềm tin vào Bitcoin. “Mỗi ngày tôi đều bỏ ra khoảng 10 Euro để mua BTC bất chấp mức giá của nó”, ông nói. Tuy vậy, lịch sử cho thấy những đồng tiền khác ngoài Bitcoin có thể sẽ không còn giữ được giá trị như ban đầu, do đó nhà đầu tư này cho biết chỉ đầu tư rất ít vào những coin thay thế khác.

Một số người ủng hộ tiền mã hoá hiện vẫn có niềm tin vào ngành này dựa trên mức độ phổ biến của tiền điện tử, khả năng thâm nhập mảng GameFi (Game ứng dụng công nghệ Blockchain kết hợp sàn tài chính phi tập trung), cộng với việc nhiều tổ chức tài chính dần chấp nhận Bitcoin.

Năm ngoái, tỷ lệ chấp nhận tiền điện tử đã tăng gần 900% trên toàn thế giới, với khoảng 300 triệu người dùng.

Thêm vào đó, công nghệ liên quan tiền điện tử đang xâm nhập vào các ngành game, âm nhạc và nghệ thuật với các đoạn mã không thể thay thế (NFT). Sở hữu số lượng game thủ ước tính gồm 3,2 tỷ người trên toàn thế giới, cộng với việc các nhà phát triển game theo xu hướng đại chúng thể hiện rõ ý định áp dụng blockchain và NFT, lĩnh vực game có thể sẽ trở thành cánh cửa bước vào thế giới tiền điện tử của hàng trăm triệu người dùng mới trong 2022 và nhiều năm về sau.

Một số công ty công nghệ hàng đầu như Tesla, Block, MicroStrategy cũng mua vào Bitcoin như một khoản đầu tư. Các công ty này đều không có ý định bán ra BTC trong bối cảnh nhiều quỹ đầu tư đã bán tháo đồng tiền số này.

Theo thông tin trên tờ Wall Street Journal, MicroStrategy đang nắm giữ khoảng 2,9 tỷ USD tiền Bitcoin, tăng so với 1,95 tỷ USD năm ngoái. Công ty này đã mua khoảng 129,218 BTC đến thời điểm hiện tại, với mức giá trung bình khoảng 30.700 USD/BTC.

Nói với WSJ, Giám đốc tài chính của MicroStrategy khẳng định không có ý định bán tài sản Bitcoin đang sở hữu, tuy nhiên ông không cho biết có mua thêm hay không. Hiện các công ty sở hữu Bitcoin như MicroStrategy đang ngóng chờ những quy định tích cực từ chính phủ Mỹ đối với tiền mã hoá.

Hải Đăng

Trung Quốc trở thành trung tâm đào bitcoin lớn thứ hai thế giới nhờ việc “đào chui”

Trung Quốc trở thành trung tâm đào bitcoin lớn thứ hai thế giới nhờ việc “đào chui”

Theo CNBC, Trung Quốc đã từng là trung tâm khai thác tiền điện tử lớn nhất thế giới, chiếm từ 65 – 75% tổng hoạt động đào bitcoin trên thế giới.