Amazon là một trong những công ty có doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu. Một trong những nguyên do giúp Amazon đạt được điều này là nhờ nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dùng tăng cao trong mùa dịch, một nguyên do khác đó là Amazon đã tăng giá nhiều sản phẩm, với mức tăng tối đa lên đến gấp 10 lần.

Theo báo cáo vừa được công bố của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Public Citizen (có trụ sở tại Washington D.C., Mỹ), Amazon đã cố ý đẩy giá nhiều mặt hàng để thu thêm lợi nhuận từ người mua.

Amazon bị tố lợi dụng dịch bệnh để bán sản phẩm thiết yếu giá “cắt cổ” - 1

Amazon bị tố lợi dụng tình hình dịch bệnh để đẩy giá các sản phẩm thiết yếu

Public Citizen đã phân tích hơn một chục sản phẩm được bán bởi các cửa hàng bên thứ 3 trên Amazon và cả những gian hàng chính hãng của Amazon (các cửa hàng được dán nhãn “Bán bởi Amazon), kết quả cho thấy rằng trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8, nhiều mặt hàng thiết yếu trong mùa dịch như giấy vệ sinh, xà phòng diệt khuẩn… đã bị đẩy giá lên cao.

Theo Public Citizen, nhiều sản phẩm được gắn nhãn “bán bởi Amazon” như nước rửa tay sát khuẩn đã bị đẩy giá lên thêm 48%, khẩu trang dùng một lần bị tăng giá lên đến 1.000% so với mức giá trước khi dịch bệnh bùng phát.

Public Citizen đưa ra bằng chứng khi vào tháng 6 vừa qua, một lốc giấy vệ sinh gồm 8 cuộn được Amazon bán ra với mức giá 36,39 USD, khi cùng thời điểm, các cửa hàng bán lẻ khác chỉ bán với giá 6,89 USD cho cùng sản phẩm. Tương tự, một chai nước diệt khuẩn được Amazon niêm yết với mức giá 7 USD, tăng lên đến 470% so với mức giá 1,49 USD trước đó.

Nhiều gian hàng thuộc về bên thứ 3 trên Amazon cũng đã tăng giá các sản phẩm thiết yếu trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8, điều này cũng góp phần làm tăng doanh thu cho Amazon khi hãng sẽ được hưởng hoa hồng từ các sản phẩm được bán ra.

Báo cáo của Public Citizen cũng cho biết bên cạnh những mặt hàng có sự chênh lệch lớn về giá bán trên Amazon để giúp nhận biết được động thái đẩy giá, cũng có nhiều mặt hàng được bán trên Amazon nhưng không thể xác định được mức giá thực sự là bao nhiêu. Các mặt hàng này có mức giá biến động và thay đổi liên tục, khiến người dùng không thể xác định được đâu là mức giá thông thường và đâu là mức giá đã bị đẩy lên cao.

Điều đáng nói là việc đẩy giá các sản phẩm là hành động vi phạm chính sách về giá cả của Amazon.

Public Citizen đang kêu gọi Amazon cần phải lưu lại lịch sử biến động giá của các mặt hàng thiết yếu để người dùng có thể nắm rõ về mức độ biến động giá cả, đồng thời chấm dứt việc tạo ra các trang bán sản phẩm cũ nhưng niêm yết mức giá mới, thay vì thay đổi giá niêm yết ngay trên trang bán hàng hiện có.

Phản hồi báo cáo của Public Citizen, Amazon cho biết “không có việc đẩy giá” trên trang thương mại điện tử của mình, bao gồm cả những sản phẩm do chính Amazon bán ra. Amazon khẳng định rằng Public Citizen chỉ xác định được một vài lỗi nhỏ về giá cả trên dịch vụ của hãng, đồng thời cho biết sẽ khắc phục lại những lỗi về giá cả này.

“Hệ thống của chúng tôi được thiết kế để cung cấp cho khách hàng mức giá trực tuyến tốt nhất và nếu chúng tôi nhận thấy lỗi, chúng tôi sẽ nhanh chóng khắc phục vấn đề đó”, phát ngôn viên của Amazon cho biết. “Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát các cửa hàng của mình và xóa những gian hàng vi phạm chính sách của chúng tôi”.

(Theo Dân Trí, Wired/ArsTechnica)

 

Ông chủ Amazon đối mặt nhiều chỉ trích dù sở hữu hơn 200 tỷ USD

Ông chủ Amazon đối mặt nhiều chỉ trích dù sở hữu hơn 200 tỷ USD

Dù giàu có nhất thế giới nhưng Bezos vẫn bị chỉ trích vì chính sách đãi ngộ với nhân viên tại Amazon và hoạt động từ thiện có phần khiêm tốn so với các tỷ phú hàng đầu khác.