Thanh toán không tiền mặt dần trở thành thói quen

Hiện nay, nhiều gia đình đã hình thành thói quen thanh toán không tiền mặt với các khoản chi tiêu hàng ngày, điện nước, mua sắm... Với chị M.D sống ở quận 1, TP.HCM, nếu như trước đây thanh toán không dùng tiền mặt chỉ được sử dụng để hạn chế tiếp xúc khi dịch bệnh diễn biến phức tạp thì bây giờ lại thành một việc làm hàng ngày.

Theo chị M.D, mua hàng và thanh toán không dùng tiền mặt thường xuyên rất thuận lợi và tiết kiệm chi phí bởi nhiều ngân hàng, ví điện tử hay sàn thương mại điện tử thường có các chương trình khuyến mãi hoàn tiền, miễn phí vận chuyển hay ưu đãi giảm giá…

“Tôi hầu như có thể sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong tất cả các hoạt động mua sắm, tiêu dùng hàng ngày. Ngay cả quầy hàng ở chợ truyền thống cũng chấp nhận chuyển khoản với các giao dịch nhỏ. Ngoài ra, tôi cũng liên kết thẻ ngân hàng và ví điện tử để thanh toán khi mua sắm trên sàn thương mại điện tử”, chị M.D chia sẻ.

Tương tự, chủ một quán cà phê trên đường Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, đa phần khách hàng là người trẻ thế hệ 8X, 9X và GenZ, và có tới 70% khách tới đây lựa chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua quẹt thẻ, ví điện tử, chuyển khoản hoặc quét mã QR.

Phân tích của các chuyên gia cũng cho thấy, nếu như trong giai đoạn trước, mặc dù máy POS đã khá phổ biến song nhiều cửa hàng chỉ chấp nhận quẹt thẻ với các giao dịch từ 100.000 hoặc 200.000 đồng trở lên. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhằm hạn chế tiếp xúc và tránh lây lan dịch bệnh, khách mua một ly cà phê hay tô bún ăn sáng... cũng được khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt với nhiều hình thức khác nhau. 

{keywords}
Thanh toán không dùng tiền mặt đang dần trở thành thói quen của nhiều người dùng.

Theo thống kê, cả nước đã có hơn 20.000 cây ATM, hơn 347.000 máy POS và hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code. Số liệu của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho hay, các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là thanh toán điện tử có tốc độ số hóa, tăng trưởng nhanh.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, so với cùng kỳ năm ngoái, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng 98,3 và 84,3%; qua QR Code tăng 86% và 127%.

Cùng với đó, tính đến hết tháng 6, đã có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC). Đặc biệt, đã có 1,77 triệu tài khoản Mobile Money (dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ - PV) được mở, trong đó hơn 67% được mở tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Doanh nghiệp cần bắt kịp xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt

Nghiên cứu Chỉ số thanh toán mới của Mastercard năm 2021 chỉ ra rằng, không riêng Việt Nam, mối quan tâm đối với nhiều công nghệ thanh toán đã và đang gia tăng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với 94% người dân cho biết sẽ cân nhắc sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán mới nổi như mã QR, ví điện tử, ví di động, trả góp, tiền mã hóa, sinh trắc học... trong năm 2022. 84% người tiêu dùng tại châu Á - Thái Bình Dương cho biết đã sử dụng nhiều hơn các hình thức thanh toán mới nổi trong năm nay.

Mặc dù nhận định thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang trở thành một xu hướng mạnh mẽ tại Việt Nam và khu vực song các chuyên gia cho rằng: Khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên, các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô phải đối mặt với kỳ vọng lớn hơn trong việc cung cấp nhiều phương thức mua sắm và thanh toán một cách dài hạn.

Không chỉ có nhu cầu sử dụng đa dạng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, nghiên cứu của Mastercard cũng chỉ ra rằng an toàn và bảo mật là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng khi thanh toán điện tử.

Theo bà Winnie Wong, Giám đốc quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào, điểm mấu chốt để phát triển thanh toán không tiền mặt là phải duy trì niềm tin của người tiêu dùng vào thanh toán điện tử.

Vì thế, các doanh nghiệp bán lẻ và tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán cần ưu tiên đảm bảo và duy trì an toàn và bảo mật trong mọi giao dịch tài chính điện tử. “Điều này yêu cầu sự đồng hành và nỗ lực chung của Ngân hàng Nhà nước, cũng như các bộ, ban ngành và các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam”, chuyên gia  Mastercard nêu quan điểm.

Vân Anh

Hơn 67% tài khoản Mobile Money được mở tại nông thôn, vùng xa

Hơn 67% tài khoản Mobile Money được mở tại nông thôn, vùng xa

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong 1,77 triệu tài khoản Mobile Money đã được mở, hơn 67% là tài khoản mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...