Ông Jing Yin, Chủ tịch Lazada phát biểu tại Diễn đàn Tương lai Thương hiệu LazMall tại Singapore hôm nay

Lazada là nền tảng thương mại điện tử thành lập vào năm 2012 và hiện đang có mặt tại 6 thị trường Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Ông Jin Ying, Chủ tịch Lazada nhận định Việt Nam là thị trường rất tiềm năng và Lazada sẽ tiếp tục phát triển tại đây.

Trao đổi tại Diễn đàn Tương lai Thương hiệu LazMall tại Singapore hôm nay (21/3), ông Jing Yin cho biết Lazada đã đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data) để cải thiện nền tảng, nhắm đến người mua hàng mục tiêu đồng thời giúp người mua hàng đạt được trải nghiệm tốt hơn. “Chúng tôi có nền tảng công nghệ lớn của Alibaba. Trong năm 2019, chúng tôi có dự án sử dụng tất cả giải pháp công nghệ, áp dụng AI và Big Data mà Alibaba hỗ trợ trên ứng dụng Lazada”, Chủ tịch Lazada, ông Jing Yin nói. “Việc áp dụng các công nghệ này nhằm mang lại sự cá nhân hóa. Ví dụ khi mọi người tìm kiếm sản phẩm trên Lazada, dựa vào thói quen, sở thích, từ khóa tìm kiếm, Lazadasẽ mang lại các sản phẩm mà chính người dùng đó đang mong muốn, đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa của họ. Ngoài ra, áp dụng các công nghệ mới cũng giúp người bán hàng, các nhãn hiệu giải quyết sản phẩm của họ, có thể trong tương lại họ muốn có nhiều thu hút hơn khi khách hàng tìm kiếm sản phẩm, người bán sẽ chủ động hướng đến chính sở thích, mối quan tâm của người dùng”.

Để chống lại vấn nạn sản phẩm kém chất lượng, Lazada đã xây dựng LazMall và đặt ra những quy định rất chặt chẽ, nghiêm ngặt về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Chúng tôi áp dụng hệ thống công nghệ tiên tiến để sàng lọc sản phẩm, chúng tôi cũng có đội ngũ hàng ngàn kỹ thuật viên giúp lọc các sản phẩm. Ngoài ra, Lazada còn có những quy định đối với các thương hiệu, những giải pháp giúp ngăn chặn những bài đăng sản phẩm chưa được xác nhận, chưa được hợp thức hóa.

Năm 2018, Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma đã đầu tư 2 tỷ USD vào Lazada, nâng tổng số tiền đầu tư của Alibaba vào Lazada thành khoảng 4 tỷ USD và sở hữu số lượng lớn cổ phần Lazada. Khoản đầu tư lớn từ Alibaba đã giúp Lazada có thêm tiền để phát triển công nghệ và thu hút khách hàng.

Về vấn để chống lại hàng giả, hàng kém chất lượng, những năm gần đây, Alibaba đã tăng cường nỗ lực chống hàng giả. Jack Ma, nhà sáng lập và là giám đốc điều hành của Alibaba, cũng luôn có những phát biểu mạnh mẽ về việc chống lại hàng giả bán trên các nền tảng thương mại điện tử của hãng. Thậm chí, có lần Jack Ma còn cứng rắn đề xuất tống giam những người làm hàng giả vào tù. Tuy vậy, vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn là một vấn đề đau đầu của Alibaba nói riêng và ngành công nghiệp thương mại điện tử nói chung.

Được hỗ trợ từ nền tảng cơ sở hạ tầng công nghệ và logistics từ Alibaba, Lazada đã liên tục ra mắt những tính năng mới trong nhiều năm qua để trở thành nền tảng duy nhất trong khu vực có thể kết hợp trải nghiệm mua sắm và giải trí trên cùng 1 nền tảng, cụ thể tính năng tìm kiếm bằng hình ảnh, trò chơi tương tác với người tiêu dùng và phát sóng trực tiếp trong ứng dụng di động.

Lazada cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào mạng lưới kho vận và phân phối, hiện đang đứng đầu trong khu vực. Đây là yếu tố quyết định để mang lại trải nghiệm khách hàng vượt trội cho LazMall. Bằng cách kiểm soát quy trình vận chuyển hàng hóa và giao hàng tận nơi, Lazada có thể đảm bảo chính sách giao hàng vào ngày kế tiếp cho toàn bộ khách hàng ở các thành phố lớn xung quanh những kho hàng của Lazada. Công ty sẽ mở trung tâm phân phối lớn nhất từ trước đến nay của Lazada, với diện tích bằng 12 sân bóng đá tại Thái Lan vào cuối năm nay. Điều này không chỉ giúp tăng sức chứa, công suất đóng gói và vận chuyển nhanh chóng, mà còn giúp mở rộng khung thời gian giao hàng với mức giá thấp nhất. Với các thành phố vệ tinh, Lazada cam kết chính sách giao hàng trong 72 giờ và mở rộng dịch vụ cho nhiều thương hiệu và người bán hơn.