Nhà phát hành trò chơi điện tử Electronic Arts (EA) đang tích cực tìm kiếm một đối tác mua lại hoặc sáp nhập công ty. Theo Puck, Apple là một trong những công ty đã đàm phán với EA. Ngoài ra, Disney và Amazon cũng mong muốn đạt thỏa thuận với nhà phát hành game này.

Electronic Arts là công ty game có trụ sở chính tại Redwood City, California. Hãng sở hữu nhiều tựa game nổi tiếng như Apex Legends, Madden, một loạt game thể thao như FIFA, NFL hay chuỗi The Sims.

Thuong vu lich su cua Apple anh 1

Apple đang đàm phán để mua lại EA nhằm phát triển hệ sinh thái game. Ảnh: 9to5Mac.

Dự định mua lại EA của Apple xuất hiện sau khi Microsoft đạt thỏa thuận 68 tỷ USD với Activision Blizzard vào đầu năm nay. Ngay sau đó, Sony cũng mua thành công Bungie, studio phát triển tựa game Destiny với giá 3,6 tỷ USD.

Theo Puck, EA mong muốn sáp nhập với công ty khác để Andrew Wilson vẫn giữ chức CEO của công ty. Đây là kế hoạch lý tưởng nhất mà nhà phát hành game này đang hướng tới.

Thực tế nguồn gốc thành lập của EA lại liên quan đến Apple. Nhà sáng lập EA vào năm 1982, Trip Hawkins, trước đó giữ chức Giám đốc Chiến lược và Tiếp thị của Apple.

Ý định mua lại EA nằm trong kế hoạch lớn của Apple trong lĩnh vực game. Trước đó, Táo khuyết từng ra mắt dịch vụ trò chơi Apple Arcade vào năm 2019. Thông qua Apple Arcade, người dùng có thể chơi game mà không bị chèn quảng cáo trên các thiết bị iOS, macOS và tvOS.

Phát ngôn viên của EA, John Reseburg cho biết công ty sẽ không bình luận về những tin đồn liên quan đến việc mua bán và sáp nhập.

“Chúng tôi tự hào với một vị thế mạnh mẽ và lớn mạnh, cùng danh mục các trò chơi tuyệt vời. Chúng được xây dựng dựa trên nền tảng vững chắc, phát triển bởi đội ngũ tài năng cùng mạng lưới hơn nửa tỷ người chơi. EA nhìn thấy một tương lai rất tươi sáng ở phía trước”, John Reseburg cho biết.

Về phần mình, Apple chưa đưa ra bình luận gì.

(Theo Zing)

Những bằng sáng chế kỳ lạ của Apple

Những bằng sáng chế kỳ lạ của Apple

Dây đồng hồ tự co giãn, xe hơi không cửa sổ, laptop với bàn phím cảm ứng là những bằng sáng chế thú vị nhưng chưa từng được Apple thương mại hóa.