Hình ảnh giả mạo bác sĩ Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Chỉ cần tìm kiếm các sản phẩm về giảm cân, hàng loạt các địa chỉ bán hàng giảm cân cấp tốc và những liệu trình giúp chị em phụ nữ lấy lại được eo con kiến trong thời gian ngắn được gắn dưới những cái tên mỹ miều của những chuyên gia các bệnh viện lớn.

Chị Nguyễn Thị Hằng – 34 tuổi, Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội là nạn nhân của việc mua sản phẩm trị viêm mũi cho con. Với cái tên mỹ miều chạy quảng cáo trên trang facebook bác sĩ Phượng – chuyên gia tai mũi họng; chị vào tìm hiểu thì được quảng cáo có các bài thuốc trị bệnh viêm tai giữa, và đã mua về cho con gái.

“Tôi như ăn phải bùa mê thuốc lú vào chát inbox được tư vấn và hàng loạt các sản phẩm cũng như phím back của những người đã dùng trước đó cho biết rất tốt nên đặt mua 320.000 đồng 2 lọ thuốc về cho con dùng. Khi mang về, chồng tôi thấy lọ thuốc chẳng có gì từ tên thuốc, hướng dẫn sử dụng đến hạn dùng nên không cho tôi sử dụng”, chị Hằng kể.

Mạo danh bệnh viện bán hàng.

Vài ngày sau chị nhờ người hỏi bệnh Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương không có bác sĩ nào tên là Phượng. Chị Hằng tìm lại người bán hàng vừa hỏi vài câu đã bị chặn facebook cũng như toàn bộ tin nhắn.

Hàng ngày, trên các trang facebook đều tràn ngập các quảng cáo các loại thực phẩm chức năng được sản xuất, được các bác sĩ của bệnh viện lớn nghiên cứu và bán cho bệnh nhân sử dụng.

Trước tình trạng bị giả danh nhiều, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cũng phải đưa thông báo khẳng định, bệnh viện này chưa triển khai kiểm nghiệm, sản xuất các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nào để người dân không bị lừa. 

Bệnh viện TWQĐ 108 khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác không để các đối tượng mạo danh nhân viên Bệnh viện lừa đảo tư vấn, bán thuốc, cung cấp dịch vụ thu tiền… có thể gây ra những rủi ro đáng tiếc và thiệt hại về kinh tế cho người sử dụng.

 

TS BS Võ Xuân Sơn cho biết hình ảnh của ông cũng thường xuyên được những người bán hàng online lấy dán vào đủ các sản phẩm từ bác sĩ sản khoa tới bác sĩ nam khoa, chữa vô sinh.

Trong khi đó, bác sĩ Sơn cho rằng ông không cung cấp dịch vụ quảng cáo nào trên facebook với hình ảnh của mình nhưng bạn bè, người bệnh vẫn thường gửi cho các dòng quảng cáo có hình ảnh và tên của ông.

Những dòng quảng cáo mạo danh Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

TS BS Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết thi thoảng anh lại được các phụ huynh, người tới khám bệnh gọi điện hỏi về các sản phẩm bác sĩ có bán online trên mạng. Khi nhìn ra thì tất cả đều là  những người bán hàng online giả mạo.

TS BS Hưng cho biết bất cứ ai quan tâm đến sức khỏe là điều đáng trân quý, nhưng chúng ta lại quá dễ tin vào những người chỉ biết qua: điện thoại, facebook, zalo, trang web... họ tự nhận là bác sĩ, hoặc dùng ảnh của các bác sĩ, dùng tên của các cơ sở y tế ... để bán thuốc giảm cân, bán sữa, ... thì thật là nguy hiểm. Nhiều người đã bị tiền mất, mua bực tức vào mình, có khi còn bị tật mang. 

Bác sĩ Hưng cho rằng để tránh tình trạng bực mình, tiền mất tật mang ... những người có nhu cầu chăm sóc sức khỏe nên tìm đến trực tiếp các cơ sở y tế chuyên khoa để được các bác sĩ khám tư vấn cụ thể. Người bệnh đừng cả tin vào những quảng cáo của người bán hàng online. Nếu phát hiện các hành vi lừa dối người tiêu dùng nên tẩy chay, chia sẻ để mọi người cùng hiểu.

Trước những thông tin mạo danh trên, đến thời điểm này Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết họ không bán bất cứ sản phẩm, liệu trình nào online thông qua các kênh bán hàng như trên và hình ảnh bác sĩ này không phải là nhân viên của bệnh viện.