Ý tưởng cho bài dự thi viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 vẫn đang xuất hiện khá nhiều. Để hỗ trợ thí sinh thực hiện bài làm của mình tốt nhất, hãy cùng tham khảo những bài mẫu viết thư UPU tiêu biểu về chủ đề môi trường mà cụ thể là xoay quanh chỉ số chất lượng không khí AQI. Nếu cần chúng ta có thể xem lại hướng dẫn thể lệ và quy định viết thư UPU 2020 ở đây.

Năm nay, Cuộc thi viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 có đề bài khá thú vị, đó là: "Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống" (Tiếng Anh: Write a message to an adult about the world we live in). Với đề bài năm nay, dự báo sẽ có không ít bức thư hay về thế giới và góc nhìn trong thời đại của công nghệ, đồng thời vẫn bám sát vào những mối quan tâm chính của xã hội.

Một điều các bạn học sinh cần lưu ý rằng bài mẫu chỉ để tham khảo và lấy ý tưởng cũng như cảm hứng, và bài mẫu khi đã đăng trên báo và mạng xã hội thì không thể bê nguyên đi làm bài dự thi. Điều quan trọng làm nên bức thư hay vẫn là dấu ấn cá nhân của mỗi bạn học sinh.

Về nội dung bức thư UPU, năm ngoái nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn từng đưa ra lời khuyên: "Tra Google để tìm hiểu kỹ về chủ đề của kỳ thi là một lợi thế nếu các em có thể lấy ra nhiều tư liệu quý; nhưng sau đó phải biến những kiến thức mình tra cứu thành ý tưởng của mình bằng sự tinh tế và thông minh rất riêng..."

Trong khi đó nhà văn Phong Điệp truyền thêm cảm hứng sáng tạo cho các bạn học sinh khi viết: "Điều mà các thành viên Ban Giám khảo trông chờ nhất ở mỗi bức thư chính là có cơ hội được lắng nghe các em cất lên tiếng nói của mình, bày tỏ những suy nghĩ về các vấn đề của cuộc sống cũng như tâm tư, khát vọng của cá nhân".

b2-bai-mau-viet-thu-upu-lan-thu-49-nam-2020-ve-chat-luong-khong-khi-aqi-bai-viet-thu-upu-nam-2020-ve-moi-truong.jpg

Hãy cùng tham khảo những bài mẫu viết thư UPU 2020 tiêu biểu về chủ đề môi trường mà cụ thể là xoay quanh chỉ số chất lượng không khí AQI (nguồn ảnh: Facebook).

Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 về chất lượng không khí AQI

Gửi thầy giáo Tiếng Anh

Đã lâu không gặp thầy giáo rồi. Dạo này thầy có khỏe không ạ? Thầy về nước một thời gian liệu có nhớ Việt Nam và cập nhật tin tức về Việt Nam thường xuyên không nhỉ?

Em chắc là có vì từ xưa đến nay thầy như có một sợi dây tình cảm với Việt Nam vậy. Trong các bài luận thầy giao thường đề cập tới những mặt văn hóa, đời sống, xã hội rất cụ thể của Việt Nam.

Nếu thầy đang dạy học ở Việt Nam em đoán thầy sẽ giao các bài luận về tình trạng chỉ số chất lượng không khí lên mức báo động nguy hiểm, vì thường thầy rất quan tâm đến vấn đề môi trường.

Mấy ngày gần đây nếu thầy check trên mạng thì sẽ thấy chỉ số chất lượng không khí ở Việt Nam thường xuyên lên mức báo động tím, mức ảnh hưởng đến tất cả mọi người.

Thực ra trước hết phải nói rằng em vẫn cảm thấy may khi ngày nay có nhiều hệ thống quan trắc chất lượng không khí để chúng ta biết được thực trạng và có biện pháp đối phó tức thời.

Ví dụ như chúng ta có thể chuẩn bị sẵn khẩu trang chống bụi mịn để đeo khi thấy chỉ số chất lượng không khí lên mức báo động, hay hạn chế ra ngoài những lúc ấy.

Tuy nhiên về căn bản Việt Nam và các thành phố hứng chịu không khí ô nhiễm thường xuyên cần có những giải pháp căn cơ để hạn chế sự nguy hại này.

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) là thước đo đơn giản hóa mức độ ô nhiễm không khí. AQI cao là do sự gia tăng khí thải, ví dụ như vào giờ cao điểm, phương tiện giao thông đi lại nhiều, hoặc khi có cháy rừng, hoặc không khí ô nhiễm không thoát ra khỏi một vị trí xác định nào đó.

Đó còn là do không khí ứ đọng gây ra bởi hiện tượng xoáy nghịch, nghịch nhiệt, hay gió thổi chậm...

Trong những thời kỳ mà tình trạng không khí cực kì kém, khi AQI cao đến mức phơi nhiễm cấp tính có thể gây ra tác hại nặng nề cho sức khỏe cộng đồng, nhất là những người thuộc nhóm nhạy cảm chẳng hạn như người già, trẻ em và những người có tiền sử hô hấp hoặc tim mạch...

Vậy nên em nghĩ các cơ quan chức năng sẽ cần có những kế hoạch cụ thể, chẳng hạn như giảm thiểu nguồn phát khí thải lớn như các nhà máy, công xưởng, công trường xây dựng để giảm lượng khí thải cho đến khi sự độc hại giảm bớt.

Hoặc chúng ta sẽ cần một phong trào kêu gọi và tạo điều kiện cho mọi người sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhiều hơn...

Khi nào trở lại Việt Nam hy vọng thầy sẽ lại cùng tham gia các phong trào vì môi trường xanh, và chủ đề thời gian tới chắc hẳn sẽ tập trung một chút vào chất lượng không khí.

Ở Việt Nam cũng cần kinh nghiệm của các nước đã làm những gì nữa thầy giáo ạ.

Hẹn sớm gặp lại thầy.