Báo cáo Akamai chỉ là thông tin tham khảo

Vào trung tuần tháng 1/2015 vừa qua, hãng cung cấp dịch vụ hãng cung cấp dịch vụ CDN  Akamai đã phán hành báo cáo thực trạng Internet toàn cầu quý III/2014. Theo bản báo cáo này, trong quý III/2014, Internet Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ kết nối chậm nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đơn cử như, với tốc độ kết nối trung bình 2,5 Mbps, Internet Việt Nam có tốc độ kết nối trung bình bằng với Philippines và chỉ cao hơn Ấn Độ (tốc độ kết nối trung bình 2,0 Mbps).

Về kết nối băng rộng (4 Mbps), Việt Nam chỉ đứng trên Phillipines (8,8%) và Ấn Độ (6,9%) nhờ tỉ lệ sử dụng đạt 14%. Còn về kết nối băng rộng tốc độ cao (>10 Mbps), có cùng tỷ lệ sử dụng chưa đến 1%, Việt Nam đứng cùng Philippine ởvị trí cuối bảng xếp hạng cùng với Phillipines. Đối với tốc độ kết nối trên di động, Việt Nam tiếp tục xếp cuối bảng xếp hạng với tốc độ kết nối trung bình là 1,1 Mbps, tốc độ kết nối cao nhất là 7,9 Mbps và tỉ lệ đạt trên 4 Mbps chỉ là 0,4%.

Trao đổi với ICTnews về kết quả đánh giá, nhận định không mấy “sáng sủa” về dịch vụ Internet Việt Nam tại bản báo cáo nêu trên, ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Giám đốc VNNIC cho rằng, về nguyên tắc thống kê thì không thể chính xác được, tuy nhiên bản báo cáo cũng đã phản ánh một phần nào đó của Internet Việt Nam với một góc nhìn, một cách đánh giá cụ thể.

Ông Nguyễn Hồng Thắng cũng phân tích, là một nhà cung cấp dịch vụ CDN, Akemai thiết lập một hệ thống để thu thập thông tin trên nền tảng Akamai Intelligent Platform. Hãng này đã thu thập những thông tin truy cập vào hệ thống của họ để đưa ra báo cáo đánh giá thực trạng Internet toàn cầu trong đó có Việt Nam vào quý III/2014, do vậy báo cáo của Akamai cũng chỉ phản ánh ở một góc nhìn, chưa hẳn đẩy đủ.

Mặc dù vậy, theo ông Thắng, Akamai là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CDN lớn trên thế giới nên số liệu họ công bố cũng đáng để các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam quan tâm, tham khảo.

Internet Việt Nam đang phát triển tốt

Ông Nguyễn Hồng Thắng cũng cho biết, ở một góc nhìn khác, theo thống kê cua hãng nghiên cứu Internet World Stats, ngay tại thời điểm ngày 22/1/2015, khi sự cố đứt cáp quang biển quốc tế AAG ngày 5/1 vẫn chưa được sửa xong và kênh truyền vẫn chưa được khôi phục, tốc độ download tại Việt Nam là 17,54 Mbps, Trung Quốc là 24,18 Mbps; Thái Lan là 19,43 Mbps; Indonesia là 5,63 Mbps; Malaysia 6,51 Mbps; Nhật Bản 69,95 Mbps; Hàn Quốc 51 Mbps; Singapore 105,16 Mbps; Đài Loan 43,77 Mbps và Philippines là 6,43 Mbps.

Hiện nay, kết nối Internet quốc tế của Việt Nam đạt hơn 900 Gbps, tăng gần 300 Gbps so với năm 2013, các gói dịch vụ Internet băng rộng cố định của các nhà mạng tối thiểu cũng đã là 3 Mbps cho đến 10 Mbps (đối với dịch vụ ADSL); và từ 10 Mbps đến 100 Mbps (với dịch vụ FTTH).

Bên cạnh đó, Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam năm 2014 đã được VNNIC công bố đầu tháng 12 năm ngoái cho hay, với tổng số 291.103 tên miền, tên miền “.vn” đứng đầu khu vực ASEAN về số lượng đăng ký sử dụng và đứng thứ 7 trong Top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á, có tốc độ tăng trưởng 13%. Trong đó, tại khu vực ASEAN, xếp sau Việt Nam là Malaysia (221.072 tên miền), Singapore (166.981 tên miền).

Đồng thời, năm 2014, với số lượng hơn 15,6 triệu địa chỉ IPv4, Việt Nam vẫn là quốc gia đứng thứ hai trong khu vực ASEAN, đứng thứ 8 khu vực châu Á và đứng thứ 26 trong tổng số các quốc gia giữ nhiều địa chỉ IPv4 nhất trên thế giới. Tổng số truy vấn tên miền trên hệ thống máy chủ tên miền DNS quốc gia năm 2014 là 108 tỷ, trung bình  3.446 qps, tăng 39% so với 2013; Tỷ lệ truy vấn bản ghi IPv6 (AAAA) là 18,2%, tăng 0,3% so với năm 2013; Tổng lưu lượng trao đổi qua Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) năm 2014 là  67.960 TB, tăng trưởng 19,7% so với năm 2013.

Ông Thắng nhấn mạnh, qua những số liệu từ một số báo cáo thống kê khác về Internet Việt Nam nêu trên, có thể thấy mạng Internet Việt Nam vẫn đang tiếp tục phát triển, công nghệ dịch vụ mới đang được cung cấp cho người dùng, tốc độ truy cập đảm bảo và tài nguyên Internet quốc gia phát triển tốt.  

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo VNNIC cũng thống nhất với nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) Vũ Hoàng Liên và đại diện một số nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho rằng, Internet Việt Nam chưa thể so sánh với các nước phát triển, đi đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore, họ phát triển cả công nghệ, hạ tầng Internet cũng như các nội dung trên mạng Internet.

Với kết quả đánh giá không mấy khả quan về Internet Việt Nam theo báo cáo mới nhất của Akamai về thực trạng Internet toàn cầu quý III/2014, không ít người băn khoăn liệu với vị trí chậm gần nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Internet Việt Nam, chất lượng dịch vụ Internet mà các ISP tại Việt Nam cung cấp tới khách hàng có được đảm bảo, hay phải chăng các nhà mạng đã vi phạm, không đạt các chỉ tiêu chất lượng theo quy định của Bộ TT&TT.

Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo VNNIC chia sẻ thêm, hiện nay Cục Viễn thông là đơn vị đang được Bộ TT&TT giao nhiệm vụ quản lý chất lượng các dịch vụ viễn thông, Internet. Chất lượng dịch vụ phụ thuộc vào gói dịch vụ, chi phí khách hàng chi trả cho gói tương ứng và cam kết của ISP đối với từng gói dịch vụ khác nhau. 

Ngày 2/10/2014, Bộ TT&TT đã  ra Thông tư 12/2014/TT-BTTTT ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất” (QCVN 34:2014/BTTTT). Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này quy định mức giới hạn các chỉ tiêu chất lượng đối với dịch vụ truy nhập Internet băng rộng, thuộc nhóm dịch vụ viễn thông cố định mặt đất (gọi tắt là dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất) gồm nhiều chỉ tiêu kỹ thuật khác nhau, không chỉ là tốc độ truy cập. “Trong khi đó, báo cáo thực trạng Internet toàn cầu quý III/2014 của hãng Akamai không chỉ rõ dịch vụ nào và cũng như tôi đã nói ở trên thì bản báo cáo này chỉ là thống kê trên hệ thống của Akamai. Vì vậy không thể lấy báo cáo thống kê của Akamai để so sánh, đánh giá chất lượng dịch vụ của các nhà mạng tại Việt Nam với Quy chuẩn kỹ thuật nói trên”, đại diện VNNIC nói.