Cần nhiều thời gian và chi phí để khai phá thị trường tiềm năng

Đánh giá tiềm năng thị trường ví điện tử, theo ông Lê Anh Huy, Phó Tổng Giám đốc Sendo, đơn vị sở hữu ví điện tử Senpay, với mật độ người dùng Internet và di động cao, tiềm năng cho sự phát triển của thị trường thanh toán ví điện tử tại thị trường Việt Nam là vô cùng lớn, nhất là khi smartphone chưa được khai thác nhiều cho Thanh toán điện tử. Mặt khác, ngành Ngân hàng đã phát hành hàng trăm triệu thẻ (Thẻ Quốc tế và Thẻ ghi nợ nội địa) cho người dùng, nhưng việc sử dụng cho thanh toán điện tử còn hạn chế. Thị trường TMĐT dự kiến phát triển nhanh dự kiến đạt 15 tỷ USD vào năm 2025.

Ông Huy cho biết, từ cuối năm 2018 đến nay, số lượng khách hàng và số lượng giao dịch qua ví SenPay phát triển đột biến luôn duy trì tăng trưởng ở mức cao 100%, nhất là từ giai đoạn quý 2/2019 khi Ví điện tử SenPay chính thức bắt tay, mở rộng hợp tác thêm với các Ngân hàng lớn tại Việt Nam như Vietcombank, Agribank … Ví Senpay đã và đang trở thành phương tiện thanh toán phổ biến, cho các dịch vụ như nạp tiền điện thoại; thanh toán hoá đơn điện, nước, Internet … cũng như các giao dịch khác trên sàn TMĐT Sendo. “Chúng tôi mong muốn sẽ cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử tiện lợi nhất cho gần 10 triệu khách hàng là người bán và người mua thường xuyên truy cập Sendo”, ông Huy nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trung Đức, Giám đốc Bảo Kim cũng khẳng định, dù nhiều tiềm năng nhưng ví điện tử hiện tại chưa thực sự đi vào nhu cầu tất yếu của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, việc những dịch vụ như Grab, Momo, Zalo phát triển trong thời gian qua đã hình thành những khái niệm căn bản cho người dùng thế nào là một ví điện tử, và bắt đầu nghĩ đến những lợi ích về khuyến mại, giảm giá khi sử dụng các phương thức thanh toán mới này. Mặc dù vậy, phát triển ví điện tử là cuộc chơi đào tạo thói quen người dùng và cần rất nhiều thời gian, chi phí. “Việc có sự đầu tư nước ngoài vào các công ty làm ví điện tử sẽ là động lực rút ngắn thời gian mở rộng thị trường”, ông Đức nói.

Khác với các ví điện tử Momo, Zalo Pay… chủ yếu phục vụ cho khách hàng cá nhân, Bảo Kim đang tập trung phát triển dịch vụ cổng thanh toán, các tiện ích về hạ tầng thanh toán cho doanh nghiệp bán hàng. Ưu tiên số 1 của Bảo Kim là phục vụ các doanh nghiệp bán hàng giao dịch trực tuyến, trong năm tới đơn vị này sẽ tập trung phục vụ công ty du lịch, tài chính, bệnh viện và chung cư. “Bảo Kim đang có khoảng 6 triệu tài khoản ví điện tử với tỉ lệ sử dụng thường xuyên ở mức 10%”, ông Đức cho biết thêm.

Dù thị trường nhiều tiềm năng do mật độ sử dụng Internet và thuê bao di động cao nhưng ví điện tử hiện tại chưa thực sự đi vào nhu cầu tất yếu của người dân Việt Nam.

Khó khăn lớn nhất đến từ thói quen giao hàng thu tiền của người dùng

Chia sẻ về khó khăn lớn nhất của thị trường Ví điện tử, ông Huy cho rằng, khách hàng hiện vẫn chưa có thói quen thanh toán trực tuyến khi mua hàng, đa số người mua, khi mua hàng hoá vật chất vẫn thói quen sử dụng COD (Cash On Delivery) – Giao hàng thu tiền hộ. “Vì thế, Sendo và Senpay đang nỗ lực nhiều hơn nhằm đưa ra chiến lược phù hợp để chuyển đổi thói quen của người tiêu dùng, đủ sức thuyết phục khách hàng lựa chọn thanh toán điện tử và cho thấy thanh toán điện tử sẽ là xu hướng tất yếu và là lựa chọn an toàn, nhanh chóng cho người tiêu dùng”, ông Huy khẳng định.

Thuận lợi lớn nhất hiện nay của SenPay là hình thức này khá tiết kiệm chi phí thanh toán và chi phí vận hành cho Sendo. Trong cuộc chơi của ví điện tử, chính hệ sinh thái là điều kiện quan trọng quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Lượng hàng hóa, dịch vụ phong phú từ hơn 300.000 nhà bán hàng cùng hàng nghìn thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế là một trong những thế mạnh nổi bật của Sendo để khai thác hiệu quả hoạt động của SenPay.

Đại diện Senpay và Bảo Kim đều mong muốn  các chính sách khuyến khích người dùng mua hàng và thanh toán trực tuyến, giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt

 Còn đối với Bảo Kim, ông Đức cho rằng dù nhận được nhiều giúp đỡ từ các Ngân hàng và Ngân hàng nhà nước nhưng hạ tầng thanh toán ngân hàng hiện vẫn chưa có sự đồng bộ để đóng gói dịch vụ đơn giản tối đa cho người dùng.

Bên cạnh đó, đại diện Sendo cũng cho rằng, Đề án Phát triển Thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 – 2020 đáp ứng khá đầy đủ yêu cầu thực tiễn của cả doanh nghiệp trung gian thanh toán và nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. “Chúng tôi rất mong các cơ quan quản lý ban hành các chính sách khuyến khích người dùng mua hàng và thanh toán trực tuyến, giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt khi giao hàng nhằm tạo môi trường thương mai điện tử lành mạnh và an toàn hơn”, ông Huy kết luận.

Còn theo ông Đức, quyết định về Mobile Money (tiền di động-pv) của Chính phủ là đúng đắn vì sẽ giản lược tối đa cho người dùng các bước và rất tiện lợi nếu được thực hiện sớm.