Kỳ bầu cử tổng thống 2020 được xem là cột mốc quan trọng trong lịch sử nước Mỹ. Điều này đến từ số tiền ủng hộ tranh cử khổng lồ, số cử tri đi bầu cao nhất lịch sử và nó đang diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành.

Dịch Covid-19 khiến các cử tri Mỹ bỏ phiếu từ rất sớm. Cách thức bỏ phiếu cũng có sự dịch chuyển từ trực tiếp sang qua thư. Các cử tri Mỹ hạn chế đến các địa điểm bỏ phiếu đông đúc. Việc này định hình lại cách thức, thời điểm các lá phiếu được kiểm và sự giằng co khi dự đoán kết quả.

cong nghe theo doi bau cu my anh 1

Bản đồ tương tác của ABC News là đa dạng nhất khi cho phép người dùng tham khảo kết quả từ các trang phân tích dữ liệu.

Với báo chí Mỹ, bối cảnh dịch bệnh tạo ra nhiều thay đổi trong cách đưa tin bầu cử. Theo The Washington Post, càng nhiều người đi bỏ phiếu sớm, bỏ phiếu qua thư, càng có nhiều dữ liệu để dự đoán trước kết quả. Bên cạnh đó, nhiều hình thức theo dõi kết quả bầu cử cũng được đưa ra để tăng sự hấp dẫn cho người đọc.

Mô hình kinh điển nhất của báo chí phương tây là bản đồ tương tác (Interactive Map). Các trang như CNN, 270towin, ABC News, Washington Post, New York Times... đều sử dụng mô hình này.

Từ bản đồ 50 bang của nước Mỹ, các trang thông tin sẽ cho phép người xem rê chuột vào từng vị trí để xem số phiếu đại cử tri, phổ thông mà ứng viên tổng thống đã có được theo thời gian thực.

Bên cạnh đó, một số trang như ABC News còn cho phép độc giả chọn trạng thái bầu cử của các bang để xem trước kết quả cuối cùng. Người xem có thể chọn các trạng thái từ đỏ, xanh, tím... tương ứng với số lá phiếu ủng hộ cho mỗi đảng.

cong nghe theo doi bau cu my anh 2

Người xem có thể thay đổi trạng thái bầu cử của từng bang kết hợp với kết quả thời gian thực để nắm thông tin tốt hơn.

Ngoài ra, người dùng còn có thể xem lại các bản đồ bầu cử từ năm 2004, 2008, 2012, 2016, từ đó đưa ra nhận định riêng. Một số bản đồ dự đoán kết quả lấy số liệu dự đoán từ các trang số liệu như FiveThirtyEight và cả độc giả. Việc cho phép dự đoán kết quả bầu cử bằng tương tác trên bản đồ với những dữ liệu thực tế khiến không khí bầu cử tại Mỹ hấp dẫn hơn.

Trước đây, các tổ chức tin tức thường dựa vào số lượng khu vực bỏ phiếu đã được báo cáo trong một trạng thái để cho biết số phiếu đã được kiểm.

Năm nay, The Washington Post gỡ bỏ con số "báo cáo khu vực". Thay vào đó, trang web này sẽ hiển thị ước tính về tổng số phiếu bầu. Ước tính đó dựa trên mô hình toán học do các chuyên gia dữ liệu của trang này phát triển.

Mô hình dự đoán được xây dựng bằng nhiều nguồn dữ liệu khác nhau. Đầu tiên, nó xem xét thông tin nhân khẩu học cấp quận được mua từ một công ty có tên là L2 Poli, bao gồm độ tuổi, chủng tộc và giới tính.

Kết quả bầu cử các năm trước và dữ liệu bổ sung về thu nhập, giáo dục của quận được cung cấp bởi 0ptimus Analytics cũng hỗ trợ cho ra kết quả dự đoán. Bên cạnh đó, mô hình trên cũng kết hợp với cách các vùng quản lý việc bỏ phiếu qua thư.

cong nghe theo doi bau cu my anh 3

Bảng thông tin kết quả bầu cử của ABC News được gắn ngoài trời để mọi người theo dõi.

Cuối cùng, mô hình sẽ điều chỉnh theo thời gian thực khi kết quả trực tiếp được cung cấp từ Edison Research. Quá trình này cho phép báo chí ước tính điều gì có thể xảy ra với cuộc bỏ phiếu bằng cách so sánh nó với năm 2016.

Càng nhiều quận báo cáo kết quả, các cơ quan báo chí càng có nhiều thông tin về bầu cử 2020 so với 2016. Tuy vậy, tất cả chỉ là dự đoán. Các trang tin tức Mỹ sẽ không công bố ai là người thắng cuộc mà chỉ dự đoán người chiến thắng.

Một nhóm biên tập viên và chuyên gia dữ liệu sẽ đánh giá các con số từ Edison Research, Associated Press và các mô hình riêng để dự đoán kết quả.

Năm nay, Fox News được đánh giá là hãng tin có tốc độ cập nhật kết quả bầu cử sớm nhất. Kết quả kiểm phiếu của cuộc bầu cử được Fox News cập nhật trước các trang khác từ 10-30 phút.

Bên cạnh đó, các thông tin như số ghế thượng viện, hạ viện, tỷ lệ bầu cử ở từng khu vực được Fox News thể hiện chi tiết. Đồng thời, Fox News cũng là trang duy nhất có bản đồ tương tác thể hiện kết quả bỏ phiếu theo từng quận, hạt.

Trong khi đó, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube, Snapchat, TikTok đều thông báo ngăn chặn các bài đăng thông báo kết quả bầu cử chung cuộc sớm. Để làm việc này, các nền tảng mạng xã hội sẽ gắn thẻ những thông tin tuyên bố người thắng cuộc để người xem biết được đây chưa phải là kết quả chính thức.

(Theo Zing)

Lý do Mỹ không bầu tổng thống qua Internet

Lý do Mỹ không bầu tổng thống qua Internet

Là một trong những nước đi đầu về công nghệ, người Mỹ vẫn phải bầu tổng thống bằng giấy tại các điểm bỏ phiếu hoặc gửi bưu điện.