Nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ công trực tuyến

Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 2.0 đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam ký quyết định ban hành mới đây. Đây là cơ sở đưa ra các quyết định đầu tư triển khai chính quyền điện tử kịp thời, chính xác; nâng cao hiệu quả chất lượng các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; đảm bảo tính kết nối, tránh trùng lặp, lãng phí và đạt được mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử tỉnh.

{keywords}
Nghị quyết 01/2020 về chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2030 đã xác định chuyển đổi số trong hoạt động chính quyền phải tiên phong, đi trước, làm dịch chuyển toàn bộ hoạt động tương tác giữa chính quyền các cấp với người dân, doanh nghiệp.

Được áp dụng cho các cơ quan nhà nước trong tỉnh, kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bến Tre phiên bản 2.0 là căn cứ để định hướng và xây dựng kế hoạch phát triển và lộ trình triển khai ứng dụng CNTT trong giai đoạn 2021 – 2025, hướng tới một hệ thống quản lý số toàn diện, hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của tỉnh.

Việc hình thành, xây dựng và triển khai áp dụng hiệu quả, chặt chẽ, đồng bộ kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bến Tre phiên bản 2.0 sẽ giúp hướng tới đạt được các mục tiêu như: tăng cường khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu, dùng chung các tài nguyên CNTT trong nội bộ tỉnh và giữa tỉnh với các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trên phạm vi toàn quốc; hướng tới tiết kiệm chi phí, thời gian trong hoạt động nội bộ của tỉnh, cung cấp hiệu quả các dịch vụ tích hợp cho người dân và doanh nghiệp, coi người dân và doanh nghiệp là trung tâm.

Đồng thời, tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư CNTT, hướng tới triển khai chính quyền điện tử của tỉnh đồng bộ, lộ trình phù hợp, tránh trùng lặp. Tăng cường khả năng chuẩn hóa, bảo đảm an toàn thông tin trong triển khai chính quyền điện tử.

So với kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 1.0, bản kiến trúc mới của tỉnh Bến Tre đã cập nhật, bổ sung những khái niệm “Khung kiến trúc chính phủ điện tử”, “Kiến trúc chính phủ điện tử cấp bộ”, “Kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh”; cập nhật các nguyên tắc xây dựng kiến trúc, tầm nhìn kiến trúc, định hướng phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam phù hợp với hiện tại và các xu thế phát triển công nghệ như Cloud Computing, AI, Big Data cùng hạ tầng truyền dẫn mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, kiến trúc phiên bản mới cũng thể hiện rõ 5 mô hình tham chiếu để tỉnh Bến Tre xây dựng kiến trúc bao gồm kiến trúc nghiệp vụ, kiến trúc dữ liệu, kiến trúc ứng dụng, kiến trúc kỹ thuật công nghệ và kiến trúc an toàn thông tin. Ban hành kèm theo kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bến Tre phiên bản 2.0 còn có chi tiết các hệ thống thông tin, hệ thống cơ sở dữ liệu tạo nền tảng để tham chiếu khi xây dựng.

Ba nhóm mục tiêu cần đạt đến năm 2025

Cũng trong kiến trúc chính quyền điện tử mới phê duyệt, UBND tỉnh Bến Tre xác định rõ những mục tiêu cần đạt được đến năm 2025 về phát triển hạ tầng kỹ thuật CNTT, ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước và ứng dụng CNTT phục vụ người dân.

Theo đó, đảm bảo hạ tầng CNTT phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, với mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ máy tính trên cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100%, cấp xã đạt tối thiểu 90%.

Hoàn thiện việc chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ, ứng dụng, phần mềm và thiết bị trên địa bàn tỉnh đảm bảo sự phát triển, tính sẵn sàng tương thích với sự phát triển mạnh mẽ của nhiều xu hướng công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Về ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước, các mục tiêu tỉnh Bến Tre đặt ra đến năm 2025 gồm có: tối thiểu 80% báo cáo định kỳ (trừ nội dung mật) được gửi, nhận qua hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; rút ngắn 80% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua hệ thống hội nghị truyền hình và phần mềm quản lý văn bản và điều hành…

Cũng đến năm 2025, ứng dụng CNTT phục vụ người dân hướng đến đạt được những mục tiêu như: tích hợp 70% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia; 20% dịch vụ công sử dụng chữ ký số để thực hiện thủ tục hành chính; 70% dịch vụ công trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử; phát triển dịch vụ mạng di động 5G, tăng tốc độ mạng di động phục vụ công dân…

Cùng với việc nêu rõ kiến trúc mục tiêu và các kiến trúc thành phần của mô hình chính quyền điện tử phiên bản mới, UBND tỉnh Bến Tre cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp sẽ được tập trung triển khai thời gian tới. Trong đó, nhóm giải pháp chủ yếu gồm: giải pháp quản trị kiến trúc, giải pháp về nguồn nhân lực, giải pháp về cơ chế, chính sách và giải pháp về tài chính. 

Trong tham luận tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ TT&TT, ông Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, Trưởng ban Ban chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh này đã cho biết, bằng nỗ lực của địa phương, cùng với sự hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp của Bộ TT&TT và các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài tỉnh, Bến Tre đã cung cấp 100% thủ tục hành chính phù hợp lên thành  dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tạo dấu mốc quan trọng, lan tỏa tinh thần chuyển đổi số. Hiện tại, toàn bộ dịch vụ công trực tuyến được 17 đơn vị sở, ngành, chính quyền thành phố và 157 xã, phường, thị trấn cung cấp phục vụ người dân, doanh nghiệp. Theo thống kê, tổng hồ sơ kết luận và giải quyết trên cổng dịch vụ công của Bến Tre năm 2020 là 78.946 hồ sơ.

M.T

Bến Tre sẽ trở thành nơi thử nghiệm, ứng dụng các công nghệ và mô hình mới

Bến Tre sẽ trở thành nơi thử nghiệm, ứng dụng các công nghệ và mô hình mới

Đề án chuyển đổi số tỉnh Bến Tre mới phê duyệt xác định tầm nhìn đến 2030 Bến Tre trở thành tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu trong chuyển đổi số khu vực đồng bằng sông Cửu Long, là nơi thử nghiệm, ứng dụng các công nghệ và mô hình mới.