Ảnh minh họa: Internet

Được các quan chức WHO đặt tên “đại dịch thông tin”, làn sóng các bài viết bao gồm thuyết âm mưu về nguồn gốc Covid-19, lời khuyên nguy hiểm về cách điều trị, báo cáo về vắc-xin không đáng tin xuất hiện.

WHO hợp tác cùng các công ty công nghệ lớn như Facebook, Google ngăn chặn lan truyền các tin tức sai sự thật, giả mạo xoay quanh Covid-19. Andy Pattinson, người dẫn đầu cuộc chiến tại WHO, cho biết sau khi chứng kiến tin giả về dịch sởi năm 2018, tổ chức bắt đầu yêu cầu các mạng xã hội, hãng công nghệ cho kết nối trực tiếp để báo cáo bài viết gây nguy hiểm đến sức khỏe mọi người.

Bên cạnh các tin xấu về Covid-19, WHO còn đặc biệt quan ngại tới những thứ được mô tả là điều trị, chữa bệnh, trong đó gợi ý các sản phẩm nguy hiểm. Do virus đã lan khắp thế giới, thông tin sai sự thật cũng như vậy. Nó thay đổi và biến động theo từng tuần, tương tự dịch bệnh. Ban đầu, tin giả chỉ liên quan tới nguồn gốc dịch bệnh, những người mang virus, sau đó, nó chuyển sang phương pháp điều trị.

Ông Pattison đã bay đến Silicon Valley trong tháng 2/2020 và tổ chức cuộc họp với hơn 10 doanh nghiệp, trong đó có Facebook, Google, Twitter, Airbnb, Expedia. Ông muốn tìm ra cách tốt nhất để dập tắt tin xấu, bảo đảm nguồn tin chính thống như WHO, Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) được người dùng xem đầu tiên.

Hiện tại, ông và nhóm của mình liên hệ hàng ngày với các nền tảng mạng xã hội, đánh dấu bài viết gần xóa bỏ. Nếu lên mạng cùng lúc, họ sẽ nói chuyện trong vài phút.

Dù vậy, nhóm của Pattinson khá nhỏ. Bộ phận truyền thông của WHO có 30 người và chỉ có 3 phụ trách các bài viết có vấn đề trên mạng xã hội. Họ sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo để để mắt tới các từ khóa chính, tài khoản chuyên đưa thuyết âm mưu.

Facebook mới đây tuyên bố sẽ cho WHO quảng cáo miễn phí để cung cấp thông tin chính xác. Trong bài viết trên trang cá nhân, CEO Mark Zuckerberg cho biết công ty sẽ thực hiện thêm các biện pháp nhằm gỡ bỏ thông tin giả mạo, thuyết âm mưu, cấm chạy quảng cáo trục lợi.

Zuckerberg viết: “Mọi người cần có nơi để chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về bệnh dịch nhưng tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi nói rõ không được chia sẻ những thứ đặt mọi người vào nguy hiểm”.

Theo ông Pattinson, một số công ty mạng xã hội – mà ông từ chối nêu tên – không nỗ lực nhiều như Facebook hay Google vì họ không gặp các vấn đề uy tín trong quá khứ. Ông cho rằng đây là con dao hai lưỡi vì nó không chỉ về vấn đề uy tín mà còn liên quan tới mạng người.

Facebook, Google, Twitter và TikTok… đều đang quảng bá các liên kết dẫn đến nguồn tin uy tín như WHO, Bộ Y tế khi người dùng tìm kiếm từ khóa liên quan tới Covid-19. Song, họ không thể tìm ra tất cả bài viết gây hiểu lầm. Rất dễ để tìm được các bài viết sai sự thật trên mạng, chẳng hạn Covid-19 do 5G được triển khai hay virus là vũ khí sinh học.

Ông Pattinson hiểu rằng mạng xã hội phải cân bằng giữa tự do ngôn luận và bảo vệ người dùng trước thông tin độc hại. Nhiều công ty nói họ sẵn sàng gỡ bài viết gây nguy hiểm đến người dùng, loài người. Do đó, công việc của ông là tìm ra thứ mà công ty sẵn sàng làm và thứ mà WHO muốn làm để dung hòa.