Theo thống kê, toàn thị trường hiện có khoảng 1,85 triệu ứng dụng trên các nền tảng, do đó các nhà làm phần mềm phải cạnh tranh gay gắt với nhau để có được sự chú ý của người dùng smartphone, từ đó dẫn đến hành động cài đặt ứng dụng.

Số liệu cho thấy trung bình một người cài khoảng 40 ứng dụng trên máy, nhưng trong 89% thời gian sử dụng, họ chỉ lướt khoảng 18 ứng dụng.

Thông thường, một ứng dụng khi đưa lên chợ có khoảng 1.000 lượt tải. Muốn đạt được mốc 1 triệu lượt tải, ngoài giá trị của ứng dụng mang lại cho người dùng, các nhà phát triển buộc phải gây chú ý cho người dùng smartphone để họ cài đặt sản phẩm.

{keywords}
Ngoài yếu tố "hữu xạ tự nhiên hương", các ứng dụng triệu lượt tải đều triển khai một số phương thức gần như bắt buộc để tiếp cận người dùng. 

Theo ông Andrey Kazakov, CEO Adjust – một nền tảng tiếp thị di động, có hai cách cơ bản mà hầu hết các nhà phát triển phải áp dụng để ứng dụng tiếp cận được với người dùng tiềm năng. Thứ nhất, cần triển khai một chiến dịch tối ưu hoá trên chợ ứng dụng (ASO – App Store Optimization), tương tự như phương pháp tối ưu trên các bộ máy tìm kiếm (SEO). Sau đó, doanh nghiệp cần chú trọng đến các chiến dịch quảng cáo trả phí để tăng trưởng người dùng.

ASO sẽ giúp cải thiện thứ hạng của ứng dụng trên kết quả tìm kiếm của các chợ ứng dụng và tăng lượt cài đặt tự nhiên, việc này giúp xây dựng nền tảng đảm bảo số lượng người dùng tự nhiên luôn tăng ổn định. Theo ông Andrey, một chiến lược ASO tốt có thể tăng số lượt tải lên 3-5%.

Tuy vậy, ASO không chỉ làm một lần, nó là một quá trình. Chiến dịch ASO cần được điều chỉnh liên tục nhằm bắt kịp xu hướng mới, cách thức triển khai mới và hướng dẫn mới từ phía chợ ứng dụng. Nếu thứ hạng của ứng dụng trên kết quả tìm kiếm càng cao thì người dùng càng dễ chú ý và quyết định tải về.

Apple App Store (iOS) và Google Play (Android) chiếm hơn 95% thị phần trên toàn thế giới (ngoại trừ Trung Quốc), do đó các doanh nghiệp nên tập trung cải thiện thứ hạng của ứng dụng trên hai nền tảng này. Sau đó có thể thử phát hành ứng dụng trên các app store khác: Samsung Galaxy Store, Amazon Appstore và Huawei AppGallery.

Khi chạy ASO, ông Andrey khuyên nhà phát triển ứng dụng nên chọn từ khoá miêu tả ứng dụng phù hợp, sử dụng hình ảnh bắt mắt, nên sử dụng video mô tả.

“Bạn có thể thử nghiệm mọi thứ như hình ảnh, phần mô tả, biểu tượng (icon), dịch sang ngôn ngữ bản địa,... Sau khi biết được yếu tố nào đem lại hiệu quả cao, bạn có thể tiếp tục lặp lại thử nghiệm cho đến khi có được một chiến lược ASO hoàn hảo”, đại diện Adjust đưa lời khuyên.

Khi ASO dần hoạt động ổn định, lượt cài đặt tự nhiên bắt đầu tăng đều hơn. Lúc này, đơn vị phát triển ứng dụng có thể chuyển sang các bước quảng cáo có trả phí. Phần lớn ứng dụng ngày nay đều chi rất nhiều tiền vào quảng cáo, họ cần chạy các chiến dịch trả phí để tăng trưởng nhanh hơn nữa. Trên thị trường có rất nhiều kênh quảng cáo trả phí, doanh nghiệp có thể khởi đầu với kênh trả phí tự phục vụ (self-service paid channel).

Có 3 kênh tự chạy quảng cáo trên 3 hệ sinh thái phổ biến: Google, Apple, Facebook. Google App Campaigns có thể tiếp cận người dùng trên các mạng quảng cáo của Google như YouTube, Google Play Store, Gmail. Apple Search Ads (ASA) là một nền tảng quảng cáo, hiển thị quảng cáo trả phí ở đầu trang tìm kiếm trên App Store. Ads Manager của Meta (tên trước đây là Facebook) chạy quảng cáo trên tất cả nền tảng của Meta như Facebook, Messenger, Instagram, ứng dụng Oculus và các ứng dụng di động thuộc Meta Audience Network.

Khi triển khai quảng cáo trả phí, ông Andrey khuyên nên tránh một số lỗi để không “đốt tiền” vô ích.

Ví dụ, cần lên kế hoạch ngân sách. Một ứng dụng thường mất từ 6-12 tháng để hòa vốn. Đảm bảo kế hoạch ngân sách phù hợp với tình hình kinh doanh, nhưng hãy có khoản dự phòng trong trường hợp tỷ lệ chuyển đổi thấp hơn dự kiến.

Thêm vào đó, nên bản địa hóa các sáng tạo. Ứng dụng vốn có tính toàn cầu, nhưng điều này không có nghĩa bạn có thể sử dụng cùng một nội dung sáng tạo cho nhiều khu vực khác nhau, cho dù chiến dịch đó mang lại kết quả tốt ở một khu vực nhất định. 

Cuối cùng, không nên cố tự mình làm hết mọi việc. Khi có thể, cần xây dựng một nền tảng công nghệ tốt và có được dữ liệu chi tiết về phân bổ, hành trình của người dùng, đồng thời theo dõi và đo lường tỷ lệ chuyển đổi ngay từ ban đầu để đạt chỉ số hoàn vốn tối đa.

Hải Đăng

Người Việt tiêu tốn nhiều giờ mỗi ngày cho ứng dụng di động, mạng xã hội

Người Việt tiêu tốn nhiều giờ mỗi ngày cho ứng dụng di động, mạng xã hội

Nhóm người dưới 26 tuổi tại Việt Nam dành hơn 7 tiếng mỗi ngày cho các ứng dụng trên di động với những app phổ biến như Facebook, Youtube, Zalo, Tik Tok, Facebook Messenger, Shopee...