Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thường trực Ban Công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu phối hợp Đại sứ quán Anh và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo công bố kết quả Hội nghị COP26 – Hành động của Việt Nam và Kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam. Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của các đại sứ, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý từ hơn 450 điểm cầu trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành một thách thức lớn nhất, một vấn đề khẩn cấp đối với nhân loại trên toàn cầu, cùng với đại dịch Covid-19 gây ra tác động kép và có mối quan hệ hữu cơ, chặt chẽ với nhau.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan, tình trạng nước biển dâng đang tác động đến cuộc sống của mọi người dân trên Trái đất, đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư. Điều này đã đặt ra cho Hội nghị COP26 nhiệm vụ phải giải quyết một vấn đề hết sức hệ trọng với thế giới.

 {keywords}

Hội thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Đại sứ quán Anh và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức qua hình thức trực tuyến. (Ảnh chụp màn hình)

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, tại COP26, lần đầu tiên thế giới đưa ra được lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, vấn đề chuyển đổi sang năng lượng sạch và nhanh chóng chấm dứt sử dụng than. Các nguồn tài chính quốc tế cho phát triển điện than sẽ sớm chấm dứt và chuyển sang tập trung hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, duy trì và phát triển rừng, bảo vệ các hệ sinh thái. Lãnh đạo các quốc gia đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong việc tham gia chuyển đổi kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay, Việt Nam tham gia nhiều sáng kiến rất quan trọng tại COP 26, như cam kết không xây dựng mới điện than, cam kết về bảo vệ rừng và sử dụng đất hợp lý, tham gia liên minh thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu... Một trong những phát biểu được đánh giá cao tại COP26 chính là cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. 

Không chỉ có cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị, Việt Nam đã có sự chuẩn bị lộ trình thực hiện; trong đó, có việc đưa các nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu thực hiện các cam kết đóng góp thực hiện Thỏa thuận Paris vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn cùng với các văn bản, Đề án trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2021; xây dựng các quy định thực hiện giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu đáp ứng yêu cầu minh bạch. “Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để huy động toàn dân thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực thảo luận để ký kết các chương trình, kế hoạch hợp tác với nhiều đối tác quan trọng, trong đó có các đối tác phát triển và các nước, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0. Bộ trưởng kêu gọi các nước, các tổ chức trong và ngoài nước cùng cộng đồng doanh nghiệp sớm triển khai các hoạt động hợp tác, chung tay cùng Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu, nhằm thực hiện các cam kết mà Việt Nam đã đưa ra tại Hội nghị COP26.

Tin tưởng vào vai trò lãnh đạo và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị cũng như các chính sách để thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian vừa qua, Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward cho biết, Vương Quốc Anh nói chung và các cộng đồng, tổ chức quốc tế sẽ đồng hành và hỗ trợ để Việt Nam có thể huy động được nhiều nguồn lực tài chính, kỹ thuật, công nghệ đầu tư vào giao thông, nông nghiệp, năng lượng… để thực hiện các cam kết và mục tiêu đề ra.

Đồng quan điểm với ông Gareth Ward, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Thường trú, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam ấn tượng với những cam kết của Việt Nam tại COP26. Bà Caitlin Wiesen cho rằng, để đạt được những kỳ vọng tại COP26, Việt Nam cần phải điều chỉnh các quy hoạch về phát triển năng lượng, tài nguyên, đưa ra các văn bản, kế hoạch chiến lược phát triển dài hạn và UNDP cùng các đối tác quốc tế đưa ra cam kết chắc chắn với việc cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu.

 Điệp Lưu

Giải quyết bài toán phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam

Giải quyết bài toán phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn thiết lập quan hệ hợp tác giữa Bộ và Đại học Hiroshima để hỗ trợ Việt Nam trong công tác đào tạo, cùng giải quyết bài toán phòng chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu.