Hôm nay, ngày 13/3/2015, Công ty An ninh mạng Bkav đã phát thông báo cảnh báo cộng đồng mạng về việc tái diễn hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài khoản Facebook của người dùng thời gian gần đây.

Đại diện Bkav cho biết, mặc dù chiêu thức dụ người dùng Facebook truy cập vào các website giả mạo để đánh cắp tài khoản của họ đã trở nên khá phổ biến, tuy nhiên thời gian gần đây vẫn có nhiều người dùng bị kẻ xấu lừa chiếm đoạt tài khoản.

Cụ thể, bắt đầu từ sáng ngày 12/3/2015, Bkav nhận được thông tin phản ánh, nhiều người dùng Facebook đã nhận được thông tin chia sẻ của bạn bè mình viết trên wall với nội dung gây tò mò, liên quan trực tiếp tới người dùng. Ví dụ như tin nhắn kèm đường link với nội dung thông tin việc người dùng đó được lên truyền hình.

Khi người dùng click vào các đường link mà đối tượng xấu đính kèm trong tin nhắn, tài khoản Facebook của họ sẽ tự động bị thoát ra và hiển thị yêu cầu đăng nhập lại. Tuy nhiên trang đăng nhập Facebook này là một trang giả mạo với địa chỉ codefacebook.com chứ không phải facebook.com.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng nghiên cứu An ninh mạng của Bkav cho biết, nếu người dùng không chú ý và nhập tài khoản vào trang giả mạo có địa chỉ codefacebook.com, tài khoản Facebook của họ sẽ bị kẻ xấu chiếm đoạt. “Sau khi đánh cắp thành công tài khoản Facebook của người dùng, việc phát tán tiếp nội dung thông tin để tạo thành cấp số nhân các link lừa đảo có thể được hacker thực hiện theo một số hình thức như: sử dụng một đoạn mã để lấy danh sách bạn bè và phát tán; hoặc đăng nhập vào chính tài khoản nạn nhân để thực hiện việc gửi trực tiếp các tin nhắn lừa đảo”, ông Sơn chia sẻ.

Ông Sơn cũng cho biết thêm, qua kiểm tra của Bkav, hiện tại đường link dẫn đến trang web giả mạo trang đăng nhập Facebook với địa chỉ codefacebook.com không có chứa mã độc, song không thể khẳng định sau này sẽ không có.

Để phòng tránh hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài khoản Facebook kể trên, chuyên gia Bkav khuyến cáo người dùng tuyệt đối không bấm vào các đường link lạ, nếu cần phải xác minh với người gửi thông tin. Đồng thời, khi đăng nhập vào tài khoản Facebook, người dùng cần lưu ý kiểm tra địa chỉ đúng là https://facebook.com với chữ https màu xanh.

Ngoài ra, theo đại diện Bkav, cách tốt nhất để tránh bị các đối tượng xấu lừa đánh cắp tài khoản Facebook là cài phần mềm diệt virus có công nghệ bảo vệ truy cập mạng xã hội (Safe Facebook) để được bảo vệ toàn diện. Đơn cử như, với các máy tính đã cài đặt phần mềm diệt virus Bkav 2015, nếu người dùng không cẩn thận click vào đường link dẫn tới trang web giả mạo trang truy nhập của Facebook, máy tính sẽ hiển thị cảnh báo “Website giả mạo Facebook. Bạn không nên truy cập”.

Trước đó, hồi giữa tháng 1/2015, Công ty Bkav đã cảnh báo cộng đồng mạng về hình thức lừa đảo, dụ người dùng Facebook xem những hình ảnh “nóng”, clip nhạy cảm nhằm chiếm đoạt tài khoản.

Cũng theo tổng hợp của Bkav, 2 trong 3 hình thức lừa đảo phổ biến trên Facebook trong năm 2014 đều nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản của người dùng, đó là “Vẽ ảnh nghệ thuật” và “Giả mạo trang tin tức”.