Nhận định trên được đại diện Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05) – Bộ Công an đưa ra trong trao đổi tại hội thảo quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam – Vietnam Security Summit 2019 được tổ chức tại Hà Nội mới đây.

Sự kiện Vietnam Security Summit 2019 được Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) và Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) chủ trì tổ chức ngày 17/4 tại Hà Nội.

Vị đại diện A05 cũng cho hay, tại Việt Nam, những năm qua Internet, các ứng dụng trên nền Internet đã phát triển mạnh mẽ; không gian mạng phức hợp đã tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới với khoảng 64 triệu người dùng Internet, chiếm 67% dân số. Các thiết bị thông minh đã trở nên phổ biến và quen thuộc, gắn với sinh hoạt, học tập, lao động của của hầu hết người dân, góp phần quan trọng hình thành xã hội thông tin và nền kinh tế tri thức…

Song hành với những lợi ích to lớn, Việt Nam đã và đang phải chịu tác động mạnh mẽ bởi các diễn biến của tình hình an ninh mạng thế giới, đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức không nhỏ từ không gian mạng, thậm chí đe dọa đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Trong đó, phải kể đến những ảnh hưởng tiêu cực từ các thông tin xấu, độc được lan truyền trên mạng cũng như vấn nạn tin giả - Fake News.

Cụ thể, đại diện Cục A05 chỉ rõ, thông tin trên không gian mạng được lan truyền một cách nhanh chóng, nhưng không được kiểm duyệt gây nhiễu loạn thông tin, mất an ninh trật tự.

Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2018, Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia có nhiều người dùng mạng xã hội nhất thế giới. Bên cạnh những tiện ích hữu dụng và những thông tin tích cực, hàng ngày, người dùng Internet Việt Nam, nhất là giới trẻ thanh niên, học sinh và thậm chí trẻ em bị tác động tiêu cực bởi hàng ngàn thông tin, hình ảnh bạo lực, kích động được phát tán tự do trên không gian mạng gây băng hoại giá trị đạo đức xã hội trong giới trẻ.

Đáng chú ý, gần đây, một số đối tượng như Ngô Bá Khá, Dương Minh Tuyền, Trần Ngọc Phúc... thường xuyên sử dụng trang Facebook, kênh Youtube cá nhân để đăng tải các đoạn video có nội dung kích động lối sống, sai lệch với chuẩn mực đạo đức xã hội tạo dư luận xấu trên không gian mạng, xuất hiện một bộ phận giới trẻ coi đó là “thần tượng”, học theo làm ảnh hưởng, phức tạp tình hình an ninh trật tự.

“Chúng tôi và Bộ TT&TT đã có những biện pháp phối hợp chặt chẽ để kiểm soát, làm sao giảm thiểu những tác động tiêu cực từ những thông tin, hình ảnh xấu, độc được đưa lên không gian mạng. Song có lẽ là chưa đủ! Hiện nay, vẫn còn rất nhiều những hình ảnh, video clip, bài viết… như vậy trên không gian mạng”, đại diện A05 chia sẻ.

Về vấn nạn tin giả - Fake News, vị đại diện A05 nhấn mạnh, hiện nay vấn nạn này cũng đang gây “nhức nhối”, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới khách thể, nạn nhân của những tin tức giả, cũng như cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực này. “Tin giả được lan truyền trên các trang mạng xã hội hiện nay đa phần mang tính cá nhân, phạm vi thông tin dàn trải, vụn vặt, thiếu kiểm chứng, xuyên tạc, lừa đảo, tung tin giả để lôi kéo sự chú ý người đọc”, đại diện A05 cho hay.

Tại Việt Nam, hàng loạt vụ việc đăng tải thông tin giả mạo thời gian qua đã làm ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội, gây tâm lý hoang mang, bức xúc, ảnh hưởng an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội như: vụ việc đưa tin “máy bay rơi tại sân bay Nội Bài năm 2017”, “bắt chó thả rông ở TP.HcM cho sư tử ăn”, “Hàng loạt trẻ em nhập viện vì ngộ độc thịt lợn có chứa thuốc an thần”, “Đề xuất cấm tất cả công chức Hà Nội đổ xăng tại trạm xăng Nhật”...

“Đây cũng là vấn đề mà nhiều quốc gia đang phải đổi mặt và nỗ lực ứng phó. Vừa qua, Ủy ban Châu Âu (EC) đã yêu cầu các công ty Facebook, Twitter, Google+ áp dụng các biện pháp ngăn chặn những thông tin lừa đảo, gian lận xuất hiện trên các trang mạng này; Australia, Anh, Singapore cũng xây dựng quy định nhằm ngăn chặn những thông tin xấu độc, sai sự thật trên các trang mạng xã hội”, đại diện A05 thông tin.

Liên quan đến các giải pháp để hạn chế tình trạng thông tin xấu, độc, tin giả tràn lan trên không gian mạng gây ảnh hưởng tiêu cực đến người dùng, nhất là giới trẻ, trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3/2019, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TT&TT chủ trì, cùng các cơ quan quản lý báo chí tích cực chỉ đạo thông tin tuyên truyền về những tấm gương người tốt, việc tốt, niềm tự hào dân tộc, giá trị truyền thống, đạo lý, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, nâng cao dân trí, khơi gợi niềm tin, khuyến khích lao động; đồng thời đấu tranh, phản bác những thông tin độc hại, ngăn chặn lan truyền thông tin mang tính bạo lực, lối sống lệch lạc, thiếu văn hóa.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao Bộ TT&TT nghiên cứu, có biện pháp xử lý thông tin giả trên mạng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước tháng 8/2019.

Chính phủ vừa giao Bộ TT&TT nghiên cứu, có biện pháp xử lý thông tin giả trên mạng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước tháng 8/2019.

Ở góc độ của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, cũng trong chia sẻ tại Vietnam Security Summit 2019, Phó Cục trưởng Đỗ Anh Tuấn cho rằng, bên cạnh việc cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh mạng quốc gia, cũng cần chú trọng nâng cao sự hiểu biết, kiến thức pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng cho mọi tầng lớp trong xã hội.

Trong đó, người sử dụng mạng phải chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, trang bị cho mình kiến thức pháp luật về an ninh mạng, hiểu rõ những thông tin được phép đăng tải, chịu trách nhiệm về những nội dung thông tin và hành vi đăng tải thông tin của mình trên không gian mạng.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, cơ quan chủ quản các trang mạng xã hội có trách nhiệm xây dựng quy định và quy trình rõ ràng, hiệu quả để thông báo về thông tin sai sự thật, bôi nhọ, vu khống trên các dịch vụ của mình; loại bỏ hoặc vô hiệu hóa quyền truy cập khi phát hiện các sai phạm; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng gỡ bỏ những thông tin vi phạm quy định…

“Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh thông tin, an ninh mạng; đề xuất các biện pháp, chế tài xử lý đối với các chủ thể vi phạm theo quy định của pháp luật”, ông Tuấn đề xuất.