Đây là một nội dung của Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) tại Bộ Công Thương đã được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ký ban hành.

Theo kế hoạch, trong năm 2022, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định để sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và phát triển kinh tế - xã hội.

Để phục vụ xử lý thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, quản trị nội bộ, thực thi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2022 - 2025, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ chủ trì việc kết nối Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử, các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác của Bộ Công Thương.

Kế hoạch cũng nêu rõ, từ ngày 1/6/2022, các đơn vị có thủ tục hành chính sẽ phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thực hiện số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính để làm giàu, cập nhật, bổ sung, kết nối, chia sẻ và sử dụng có hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.

Triển khai kế hoạch, Lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo đúng tiến độ và đảm bảo hiệu quả, chất lượng.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số được giao làm đầu mối theo dõi, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ Công Thương triển khai việc thực hiện kế hoạch thực hiện Đề án 06, kịp thời báo cáo và kiến nghị với Bộ trưởng các biện pháp cần thiết để đảm bảo kế hoạch này được thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ.

Văn phòng Bộ Công Thương và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ phối hợp đôn đốc, theo dõi các đơn vị thực hiện các nội dung liên quan đến thủ tục hành chính trong phạm vi quản lý của Bộ này.

{keywords}
Việc triển khai Đề án 06 thành công được nhận định sẽ là một dấu mốc lịch sử quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số, theo hướng lấy người dân làm trung tâm (Ảnh minh họa: Digitmatter)

Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 6/1 tại Quyết định 06. Mục tiêu tổng thể của Đề án 06 là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích gồm: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. 

Với vai trò là cơ quan chủ trì triển khai Đề án 06, ngày 11/2, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch 56 để thực hiện Đề án, thành lập Ban chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể cho đơn vị liên quan; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành triển khai, đảm bảo tiến độ các nhiệm vụ đề ra.

Cũng trong thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã tích cực triển khai, hỗ trợ các bộ ngành triển khai kết nối, chia sẻ CSDLQG về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành thông qua trục Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP).

Tính đến trung tuần tháng 3, đã hoàn thành kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu của 4 bộ, ngành gồm: Y tế, Tư pháp, GD&ĐT, Bảo hiểm xã hội; kết nối 63/63 Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử một cửa điện tử của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; sẵn sàng sử dụng chính thức ngay sau khi được cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ TT&TT đánh giá, kết luận về an toàn thông tin mạng.

Cùng với đó, việc tổ chức kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu của Bộ LĐTB&XH, Bộ Giao thông vận tải, Bộ KH&ĐT, Bộ TT&TT, Bộ TN&MT, Bộ Công Thương, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đang được triển khai.

Vân Anh

Người dân sẽ được khai thác thông tin của mình trong CSDL dân cư qua tin nhắn

Người dân sẽ được khai thác thông tin của mình trong CSDL dân cư qua tin nhắn

Theo dự thảo Thông tư về kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu số với CSDL quốc gia về dân cư, công dân có thể khai thác thông tin của mình trong CSDL này qua dịch vụ nhắn tin hoặc Cổng Dịch vụ công quốc gia.