Vận hành thống nhất bộ giải pháp công nghệ chống dịch trong tình hình mới

Triển khai các giải pháp công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 là một nội dung đã được Thừa Thiên Huế chú trọng thực hiện ngay từ những đợt dịch đầu. Gần đây, trên cơ sở hoàn thiện các giải pháp, địa phương này đã công bố và chuyển đổi vận hành bộ giải pháp công nghệ chống dịch thích ứng với tình hình mới.

{keywords}
Ý thức của người dân khi vào, ra và di chuyển trên địa bàn như tuân thủ 5K, quét QR tại điểm đến là điều kiện giúp cho việc truy vết, khoanh vùng dịch nhanh chóng.

Bộ giải pháp gồm 3 nhóm giải pháp thành phần (giải pháp dành cho lực lượng tham gia trực tiếp chống dịch; giải pháp dành cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; giải pháp dành cho người dân) và 2 quy trình (quy trình giám sát công dân vào ra và di chuyển trên địa bàn tỉnh và quy trình truy vết trên nền tảng công nghệ).

Trong đó, bộ giải pháp công nghệ dành cho lực lượng tham gia trực tiếp chống dịch gồm có: giải pháp công nghệ ứng dụng các chốt kiểm soát; giải pháp công nghệ ứng dụng cho Tổ Covid cộng đồng; ứng dụng quản lý nghiệp vụ tại các khu cách ly, thu dung, điều trị; các nền tảng hỗ trợ cập nhật dữ liệu tiêm chủng, xét nghiệm; bản đồ số phục vụ công tác chỉ đạo điều hành Ban chỉ đạo các cấp. Đặc biệt là công nghệ hỗ trợ truy vết, thông báo nhanh đến các công dân có liên quan thông qua nền tảng số.

Với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, bộ giải pháp công nghệ dành cho nhóm đối tượng này hỗ trợ họ có thể theo dõi, cập nhật thông tin kịp thời cấp độ vùng dịch trên địa bàn thông qua bản đồ số; kiểm soát người, ra vào cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh; truy vết chủ động thông qua dữ liệu ghi nhận người vào ra đơn vị; đăng ký trực tuyến cho đoàn vào làm việc tại đơn vị.

Bộ giải pháp cũng cung cấp cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp công cụ tương tác thông tin với các cơ quan nhà nước; hệ thống văn bản điện tử, cập nhật tin tức chống dịch, thông báo, cảnh báo cùng một số tiện ích khác.

Với người dân, bộ giải pháp công nghệ chống dịch được triển khai thống nhất trên Hue-S bao gồm: sở hữu QR quốc gia duy nhất thông qua “Thẻ kiểm soát dịch bệnh”; chủ động giám sát lịch trình di chuyển; nhận thông tin cảnh báo trong trường hợp bản thân thuộc diện F1, F2; phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin hỗ trợ cùng cơ quan nhà nước trong quá trình chống dịch; hỗ trợ y tế, nhu yếu phẩm trong trường hợp khu dân cư đang áp dụng chính sách cách ly y tế; được cung cấp thông tin toàn diện về chống dịch từ cấp tỉnh đến quốc gia.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế đã thống nhất về quy trình giám sát công dân vào ra và di chuyển trên địa bàn, quy trình truy vết trên nền tảng công nghệ.

Theo đó, tất cả công dân khi vào Thừa Thiên Huế phải được kiểm tra khai báo di chuyển nội địa tại các chốt kiểm soát trên ứng dụng PC-Covid. Trường hợp công dân không có smartphone sẽ được các chốt kiểm soát hỗ trợ khai báo trực tuyến và được cấp mã QR giấy. Việc kiểm soát công dân di chuyển trên địa bàn tỉnh được thực hiện trực tiếp theo từng địa điểm như: khu dân cư; cơ sở lưu trú; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; cách ly tập trung; di chuyển ngoài cộng đồng.

3 nguyên tắc trong phòng chống dịch bằng công nghệ tại Huế

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Thừa Thiên Huế cho biết, bộ giải pháp công nghệ phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới được vận hành trên cơ sở triển khai đồng bộ 3 nguyên tắc: Công nghệ  - trang bị đầy đủ, đơn giản các công nghệ theo hướng đảm bảo khả năng tự làm chủ cho các lực lượng chống dịch; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân; Trách nhiệm - ngoài cơ quan nhà nước thì trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong việc triển khai thiết bị và nhân sự giám sát quét QR là yếu tố bắt buộc; Ý thức - người dân khi vào, ra và di chuyển trên địa bàn cần tuân thủ 5K, quét QR tại điểm đến, là điều kiện giúp cho việc khoanh vùng, truy vết, xử lý một cách nhanh chóng, thích ứng được với tình hình mới.

{keywords}
Phó Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình kiểm tra vận hành bản đồ truy vết, khoanh vùng dịch.

Đánh giá về hiệu quả của bộ giải pháp, đại diện Sở TT&TT Thừa Thiên Huế cho hay, từ kinh nghiệm 4 đợt dịch đến nay Sở đã tối ưu hệ thống. Từ đó, số liệu báo cáo chuẩn hơn, nhanh hơn; nhận diện vấn đề sớm hơn trong dự báo xu thế để tham mưu chính sách thích ứng phù hợp.

Song song đó, một số giải pháp công nghệ hỗ trợ cho điều tra truy vết y tế đã phát huy và tham gia vào quy trình ngành y tế tốt hơn. Đặc biệt, người dân tiếp cận thông tin được nhanh, rộng hơn và có kỹ năng cao hơn.

Kiểm soát người vào - ra các địa điểm bằng quét mã QR quốc gia gắn trên “Thẻ kiểm soát dịch bệnh” cấp cho người dân đã được Thừa Thiên Huế xác định là giải pháp căn cơ nhất trong giai đoạn chuyển trạng thái thích ứng với tình hình mới của công tác phòng chống dịch.

Đến nay, 99% người dân Thừa Thiên Huế đã được cấp “Thẻ kiểm soát dịch bệnh” để có thể tham gia công tác chống dịch trên địa bàn. Sau 5 ngày kích hoạt giám sát qua thẻ, cơ quan chức năng đã phát hiện 29.982 trường hợp vi phạm đang là F1, đang giám sát y tế tại nhà và di chuyển ở vùng dịch cấp độ cao.

Trả lời câu hỏi “Đâu là những yếu tố quan trọng để triển khai tốt bộ giải pháp công nghệ chống dịch trong tình hình mới?”, đại diện Sở TT&TT Thừa Thiên Huế cho rằng vẫn cần thêm thời gian để đánh giá, song quan điểm của tỉnh là tập trung giải pháp cho 3 vấn đề: công nghệ, trách nhiệm và ý thức.

Vân Anh

Huế công nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 trên các ứng dụng PC-Covid, Hue-S

Huế công nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 trên các ứng dụng PC-Covid, Hue-S

Từ tháng 11, để tạo thuận lợi cho người dân vào Thừa Thiên Huế, các chốt kiểm soát phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh này công nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 của người dân trên ứng dụng PC-Covid hoặc Hue-S.