Công bố xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam năm 2017

Hôm nay, ngày 5/7/2018, tại Hà Nội, Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức hội thảo quốc gia Chính phủ điện tử 2018 với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới nền hành chính hiện đại và hiệu quả”.

Trong phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết, ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử luôn được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm. Ngày 1/7/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 36 về đẩy mạnh ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Cũng trong năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT trên cơ sở kiện toàn lại Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT.

Tiếp đó, ngày 14/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử. Cũng trong năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1819 phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì nhiều cuộc họp về xây dựng Chính phủ điện tử để lắng nghe ý kiến của các cơ quan chức năng, các chuyên gia trong nước và quốc tế. Thủ tướng đã cử một đoàn công tác cấp Bộ trưởng đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của một số nước có trình độ phát triển Chính phủ điện tử cao như Hàn Quốc, Estonia và một số nước khác.

Đặc biệt, Chính phủ đã có kế hoạch rất cụ thể để ban hành Nghị quyết mới về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển Chính phủ điện tử trong giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chuẩn bị cho việc thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn lại Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT. Thủ tướng Chính phủ sẽ làm Chủ tịch Ủy ban này. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ làm Phó Chủ tịch; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ sẽ làm Tổng Thư ký của Ủy ban; các Bộ trưởng sẽ tham gia vào Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trong thời gian tới.

“Thủ tướng Chính phủ cũng đang yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần đổi mới cách nghĩ, cách làm và phải làm  một cách quyết liệt công tác cải cách hành chính, phải gắn chặt cải cách hành chính với ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử các cấp và coi CNTT là công cụ, phương thức đổi mới, phát triển”, Thứ trưởng cho hay.

Công bố xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam năm 2017

Cũng theo nhận định của Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, thời gian qua, Bộ TT&TT cùng với các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết 36, Nghị quyết 36a cùng các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đã đạt được những kết quả nhất định trong việc triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử; đã có những điểm sáng nhất định về ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, kết quả đạt được thực tế còn chưa được như mong muốn, còn cần phải có cách làm mới, có giải pháp phù hợp hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cũng cần nhân rộng các mô hình, bài học thành công; rút kinh nghiệm từ các bài học không thành công.

Nhấn mạnh việc IDG Việt Nam phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2018 với chủ đề: “Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới nền hành chính hiện đại, hiệu quả” trong bối cảnh hiện nay là hoạt động hết sức thiết thực, bám sát được với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng chia sẻ: “Tôi hi vọng qua hội thảo này, các nhà quản lý, các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp CNTT có cơ hội cùng nhau chia sẻ, trao đổi hiện trạng phát triển Chính phủ điện tử tại nước ta, để có những bước đi phù hợp cho hoạt động ứng dụng CNTT xây dựng Chính phủ điện tử đi vào thực chất, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn”.

Đáng chú ý, tại hội thảo, đại diện Hội Truyền thông số Việt Nam đã công bố bảng xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT/xây dựng Chính phủ điện tử cho 3 khối: các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017.

Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng: “Với kết quả xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT/xây dựng Chính phủ điện tử được công bố là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương nắm được thực trạng, vị trí xếp hạng tương đối về mức độ ứng dụng CNTT của cơ quan, đơn vị mình, biết được những tồn tại, hạn chế để từ đó có kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại các cơ quan góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành và cải cách thủ tục hành chính góp phần cải thiện Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam.

Được biết, Báo cáo đánh giá và xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam 2017 là kết quả sự hợp tác giữa Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT và Hội Truyền thông số Việt Nam nhằm mục đích đánh giá mức độ ứng dụng CNTT trong việc phát triển Chính phủ điện tử; quản lý, triển khai điều hành và cung cấp dịch vụ công tại các Bộ và cơ quan ngang bộ, các cơ quan Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2017 thông qua việc xếp hạng các Bộ, ngành, địa phương.

Đại diện Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết, với quan điểm chính quyền điện tử là cầu nối giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp, Báo cáo đánh giá và xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam 2017 tập trung vào yếu tố cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến người dân; tập trung đi sâu vào phân tích chỉ số thể hiện kết quả của quá trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến – số lượng hồ sơ trực tuyến được giải quyết, đặc biệt là ở hạng mục các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Cụ thể, ở hạng mục xếp hạng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, theo báo cáo mới được công bố, việc cung cấp dịch vụ công chỉ ở mức trung bình với tỷ lệ dịch vụ có hồ sơ trực tuyến là 46,06%. Trong đó, Bộ Tài chính đi đầu với hơn 20 triệu hồ sơ được giải quyết trực tuyến.

Công bố xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam năm 2017

Với hạng mục các cơ quan thuộc Chính phủ, BHXH Việt Nam là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng CNTT để phát triển Chính phủ điện tử.

Công bố xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam năm 2017

Còn ở hạng mục các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Huế là đơn vị đi đầu cả nước trong việc triển khai Chính phủ điện tử năm 2017. Tiếp sau đó là Đà Nẵng, Lâm Đồng, Quảng Ninh và TP.HCM. Và mặc dù có tên trong 13 tỉnh, thành phố có chỉ số tổng hợp phát triển Chính phủ điện tử năm 2017 đạt mức khá (có điểm từ 0,65 đến 0,8) song Hà Nội được xếp ở vị trí thứ 12 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Công bố xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam năm 2017

Bên cạnh đó, báo cáo của Hội Truyền thông số Việt Nam và Cục Tin học hóa phối hợp thực hiện còn chỉ ra rằng, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các tỉnh trong năm 2017 còn chưa cao. Khoảng cách giữa các tỉnh trong việc phát triển Chính phủ điện tử hiện nay cũng là một vấn đề đáng được lưu tâm.

Đề cập đến việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, báo cáo nêu, số lượng dịch vụ công  trực tuyến mức độ 3 và 4 hoàn toàn không phản ánh đúng thực trạng phát triển Chính phủ điện tử tại các tỉnh. Số lượng dịch vụ có phát sinh hồ sơ trực tuyến năm 2017 tại các tỉnh chỉ chiếm 11,54% tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Điều này dẫn đến việc số lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến tại một số tỉnh còn rất thấp so với số lượng dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 của tỉnh.

Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử là sự kiện thường niên được tổ chức lần đầu vào năm 2005. Đến nay, hội thảo đã trở thành diễn đàn uy tín hàng đầu, nơi các nhà lãnh đạo cấp cao đến từ các cơ quan ban ngành Chính phủ và các chuyên gia công nghệ có cơ hội gặp gỡ và thảo luận về chính sách đầu tư, giải pháp phát triển CNTT toàn diện thúc đẩy xây dựng hệ thống Chính phủ điện tử giúp Chính phủ nâng cao năng lực vận hành và quản lý quốc gia.