Bộ TT&TT: Cần có giải pháp đảm bảo xây dựng nền tảng kỹ thuật CNTT phục vụ Chính phủ điện tử | Bộ TT&TT: Đề án xây dựng nền tảng CNTT phục vụ Chính phủ điện tử cần làm rõ giải pháp đảm bảo thực thi

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng chủ trì cuộc họp về Đề án giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng CNTT tại các bộ, ngành, địa phương và danh sách các nền tảng dùng chung của Chính phủ điện tử.

Hôm nay, ngày 26/12, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng chủ trì cuộc họp về “Đề án giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng CNTT tại các bộ, ngành, địa phương và danh sách các nền tảng dùng chung của Chính phủ điện tử (CPĐT)”.

Nhấn mạnh xây dựng Đề án này là một việc quan trọng nhưng cũng rất phức tạp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng, việc làm kiến trúc nền tảng hạ tầng kỹ thuật CNTT phục vụ CPĐT cần được thực hiện rất kỹ, phải làm sao rất tường minh, đồng thời thể hiện cũng phải đúng thực trạng Việt Nam với những bước đi phù hợp.

Theo dự thảo Đề án được đại diện Cục Tin học hóa trình bày tại cuộc họp, 3 mục tiêu lớn của Đề án là hoàn thiện khung pháp lý cho việc quản lý, vận hành, khai thác dữ liệu, hạ tầng CNTT theo hướng bảo đảm thực hiện thống nhất, đồng bộ và có cơ chế chia sẻ, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên hạ tầng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; Triển khai, kết nối hạ tầng kỹ thuật CNTT toàn quốc, dần hình thành hạ tầng tính toán đám mây thông suốt phục vụ CPĐT, mở rộng nền tảng NGSP để hình thành nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia; Tạo ra các dịch vụ dữ liệu nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thông tin số quốc gia.

Để đạt được các mục tiêu trên, nhóm soạn thảo Đề án đề xuất giải pháp hoàn thiện từng bước cơ sở pháp lý, xây dựng nền tảng tích hợp dữ liệu, tái cấu trúc hạ tầng kỹ thuật CNTT và xây dựng hạ tầng dữ liệu, đáp ứng các yêu cầu về kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan hành chính nhà nước, phục vụ cung cấp, cải thiện các dịch vụ trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời phục vụ đắc lực cho sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với việc vạch rõ 3 nhóm nhiệm vụ chính của Đề án gồm xây dựng hành lang pháp lý, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật và xây dựng hạ tầng dữ liệu, trong dự thảo, nhóm soạn thảo Đề án cũng đã chi tiết hóa các nhiệm vụ cụ thể của từng nhóm nhiệm vụ với thời hạn cần hoàn thành. Đơn cử như, với nhóm nhiệm vụ xây dựng hành lang pháp lý, sẽ có 3 văn bản quan trọng được Bộ TT&TT tập trung hoàn thiện và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian tới là Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số trình tháng 12/2019; Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử trình tháng 3/2020 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai điện toán đám mây trong ứng dụng CNTT tại các cơ quan hành chính nhà nước, dự kiến trình vào tháng 6/2020.

Đáng chú ý, nhấn mạnh việc xây dựng các nền tảng dùng chung của CPĐT gắn bó chặt chẽ với nhiệm vụ đề xuất giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng CNTT tại các bộ, ngành, địa phương, đại diện Cục Tin học hóa đưa ra mô hình nền tảng với 4 lớp chính gồm: Ứng dụng dùng chung (cho người dân - MyInfo, cho doanh nghiệp - CorpPass, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dữ liệu quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Hệ thống phân tích dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ V-Insight);

Nền tảng dùng chung (Hệ thống quản lý dữ liệu chủ và danh mục điện tử dùng chung V-MDM, Hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia, Hệ thống giám sát và kiểm soát CPĐT V-Eye, Nền tảng phát triển CPĐT V-DevOps và Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia); Cơ sở dữ liệu dùng chung và kho dữ liệu phục vụ CPĐT (Dữ liệu chủ và danh mục điện tử dùng chung, Kho tích hợp dữ liệu tổng hợp V-DataHub; Hạ tầng kỹ thuật CNTT phục vụ CPĐT (Trung tâm tích hợp dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hạ tầng kỹ thuật CNTT phục vụ CPĐT).

Trong các ứng dụng dùng chung phục vụ người dân và doanh nghiệp, MyInfo là đầu mối giao tiếp với người dân, giúp người dân tiếp nhận thông tin do cơ quan nhà nước cung cấp; CorpPass là đầu mối giao tiếp với tổ chức, doanh nghiệp, giúp tổ chức, doanh nghiệp tiếp nhận thông tin từ các cơ quan nhà nước; Cổng dữ liệu quốc gia cung cấp dữ liệu người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nhà nước, báo chí… hỗ trợ tra cứu, khai thác thông tin chỉ cần vào một nơi duy nhất. Và Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp thông tin, hỗ trợ thực hiện, giám sát, đánh giá giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị…

Bộ TT&TT: Cần có giải pháp đảm bảo xây dựng nền tảng kỹ thuật CNTT phục vụ Chính phủ điện tử | Bộ TT&TT: Đề án xây dựng nền tảng CNTT phục vụ Chính phủ điện tử cần làm rõ giải pháp đảm bảo thực thi

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng, phải làm sao gắn kết được tầm nhìn của những người làm kỹ thuật với các nhà quản lý, đơn vị sẽ thụ hưởng và triển khai Đề án.

Bình luận về mô hình các nền tảng dùng chung phục vụ CPĐT được nhóm soạn thảo đề xuất, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng thẳng thắn: mô hình này mới chỉ dàn hàng ngang các thành phần, nền tảng, ứng dụng, còn về mối quan hệ giữa các thành phần thế nào? việc kết nối, liên thông giữa các hệ thống ra sao? Hay đơn vị triển khai, phân kỳ thực hiện thế nào… vẫn chưa được thể hiện. “Một điểm nữa cũng cần lưu ý là phải bàn một cách hết sức thẳng thắn, kỹ lưỡng về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện Đề án”, Thứ trưởng đề nghị.

Một mối lo ngại chung của nhiều đại biểu tham dự cuộc họp là tính khả thi của Đề án. Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng cho rằng, vấn đề quan trọng hơn cả chính là cần xác định được những điều kiện cần và đủ, các giải pháp để đảm bảo Đề án được thực thi trong thực tế.

Một lần nữa nhấn mạnh xây dựng “Đề án giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng CNTT tại bộ, ngành, địa phương và danh sách các nền tảng dùng chung của CPĐT” là vấn đề quan trọng, lớn của quốc gia, không phải của riêng Bộ TT&TT, do đó không thể dễ dãi để đảm bảo rằng không tạo ra một Đề án với những mục tiêu, kỳ vọng lớn nhưng không thực hiện được.

“Tôi cho rằng chúng ta vẫn cần phải báo cáo Chính phủ về việc cần thiết có một hội thảo rộng rãi về Đề án, phải tiếp tục có sự bàn bạc, đánh giá rất kỹ hiện trạng và các điều kiện thực hiện, trong đó đặc biệt cần quan tâm đến những vấn đề gì mang tính nền tảng dùng chung cho xã hội. Chúng ta phải làm sao gắn kết được tầm nhìn của những người làm kỹ thuật với các nhà quản lý, đơn vị sẽ thụ hưởng và chịu trách nhiệm triển khai Đề án”, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.