Bộ TT&TT nhấn mạnh, “Make in Vietnam” là một định hướng lớn, là tuyên bố về sự chuyển dịch từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm Việt Nam, sang làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, tập trung giải quyết bài toán Việt Nam và từ đó vươn ra thế giới (Ảnh minh họa)

Chỉ thị 01 về định hướng phát triển ngành TT&TT năm 2020 nêu rõ, mục tiêu tổng quát năm nay của Bộ TT&TT là “Năm chuyển đổi số quốc gia” cùng với phương châm hành động “Làm gương, Kỷ cương, Trọng tâm, Bứt phá”.

Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành TT&TT tiếp tục phát huy các thành tích đã đạt được, nâng cao năng suất lao động, thực hiện tốt các đột phá chiến lược, tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với ngành TT&TT và đặc biệt là phát triển đồng bộ, hiệu quả trên cả 6 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TT&TT, gồm: Bưu chính; Viễn thông; Ứng dụng CNTT; An toàn, an ninh mạng; Công nghiệp ICT; Báo chí, truyền thông.

Trong đó, với riêng lĩnh vực Công nghiệp ICT, tại Chỉ thị 01 mới ban hành, Bộ TT&TT nhấn mạnh, phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nói chung và doanh nghiệp công nghệ số Việt nam nói riêng là định hướng quan trọng để xây dựng Việt Nam thành nước công nghiệp phát triển.

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ được ban hành trong năm 2020 và hướng tới xây dựng Chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với định hướng thúc đẩy phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số và mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có một lực lượng hùng hậu với tỷ lệ 1 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 người dân tương đương với các nước công nghiệp phát triển.

“Make in Vietnam” là một định hướng lớn, là tuyên bố về sự chuyển dịch từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm Việt Nam, sang làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, tập trung giải quyết bài toán Việt Nam và từ đó vươn ra thế giới. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT-TT phải đi đầu trong chiến lược “Make in Vietnam”.

Chỉ thị đầu tiên của Bộ TT&TT trong năm 2020 cũng cho hay, 5G là hạ tầng rất quan trọng của kinh tế số, xã hội số do đó việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có thể sản xuất các thiết bị 5G. Biểu dương, tạo điều kiện và tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện sứ mệnh đầu tư vào nghiên cứu sản xuất các thiết bị 5G hướng tới mục tiêu thương mại hóa sản phẩm 5G vào năm 2020.

Cũng trong năm 2020, Bộ TT&TT sẽ ký kết và đưa vào vận hành Trung tâm nghiên cứu chính sách 4.0, hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF nhằm thử nghiệm các thể chế, chính sách đột phá, đi trước đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).

Đồng thời, phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái số Việt với các nền tảng công nghệ dùng chung, các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; từng bước tiến đến làm chủ công nghệ nền tảng tạo đột phá cho chuyển đổi sang nền kinh tế số.

Để hiện thực hóa các mục tiêu kể trên, tại Chỉ thị 01, Bộ TT&TT đã vạch rõ 20 nhiệm vụ chủ yếu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là Vụ CNTT, Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số cần tập trung triển khai trong năm 2020 như: Hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng tới cuộc CMCN 4.0; Hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam;

Hoàn thiện và triển khai Đề án xây dựng và vận hành Trung tâm CMCN 4.0; Hoàn thiện Đề án chuyển đổi số quốc gia và tổ chức thực hiện khi được ban hành; Tổ chức thí điểm các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số tại địa phương; Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu sản xuất và thương mại sản phẩm 5G và một số sản phẩm công nghệ cao khác…

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, một kết quả nổi bật trong năm 2019 là Bộ đã tổ chức thành công Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” và khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam - Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất”, tạo ấn tượng về một chủ trương phát triển mới. Diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ vì một Việt Nam hùng cường, tạo nên khát vọng một dân tộc hóa rồng vào năm 2045.

Để hỗ trợ đồng hành cùng các doanh nghiệp công nghệ số, năm 2019 Bộ TT&TT đã xây dựng, đề xuất các chính sách nhằm tập trung điều chỉnh và giải các vấn đề khó cho doanh nghiệp. “Việc mở rộng hoạt động của quỹ khoa học công nghệ của doanh nghiệp, phát triển các nền tảng công nghệ số dùng chung, khuyến khích thử nghiệm có kiểm soát mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ mới, đẩy mạnh đào tạo kỹ năng số hướng đến nhu cầu doanh nghiệp... sẽ là những chính sách được các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện trong 2020 và các năm tiếp theo”, Bộ TT&TT cho hay.

Cũng trong năm ngoái, Bộ TT&TT đã hỗ trợ các địa phương thực thi các chính sách về công nghiệp ICT và truyên truyền về các giải pháp CMCN 4.0 giúp nâng cao nhận thức quản lý trong lĩnh vực công nghiệp CNTT. Đồng thời, đưa nội dung phát triển công nghiệp ICT và doanh nghiệp công nghệ số vào các biên bản ghi nhớ giữa Bộ TT&TT với các địa phương trên cả nước.