Tại sao Bộ TT&TT chọn

“Make in Vietnam” là chủ đề của Triển lãm về công nghệ, công nghiệp ICT Việt Nam được Bộ TT&TT tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành hồi giữa tháng 1/2019.

Cụm từ “Make in Vietnam” được Bộ TT&TT lần đầu chia sẻ trong Diễn đàn CNTT-TT Việt Nam - Myanmar với chủ đề “Chuyển đổi số trong Chính phủ” hồi trung tuần tháng 12/2018, khi đề cập đến những  sản phẩm, giải pháp công nghệ được các doanh nghiệp ICT Việt Nam như Viettel, VNPT, MobiFone, FPT và BKAV sang giới thiệu, trình diễn với các cơ quan, doanh nghiệp nước bạn Myanmar.

Tiếp đó, “Make in Vietnam” cũng đã được lấy làm chủ đề của Triển lãm về công nghệ, công nghiệp ICT Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành TT&TT hồi giữa tháng 1/2019. Triển làm này có sự tham gia trình diễn, demo các sản phẩm về công nghệ cao (AI, IoT, an toàn an ninh mạng…) của các doanh nghiệp, nhằm khẳng định năng lực của các doanh nghiệp trong ngành TT&TT đã sẵn sàng đáp ứng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).

Với sự kiện Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” sẽ lần đầu tiên được Bộ TT&TT chủ trì tổ chức vào ngày 9/5 tới, một lần nữa thông điệp “Make in Vietnam” được nhắc tới, là khẩu hiệu hành động của Diễn đàn.

Bộ TT&TT nêu rõ định hướng: doanh nghiệp công nghệ Việt Nam dùng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam, và từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu, giải quyết các bài toán toàn cầu. Trong tiến trình này, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ làm chủ và “Make in Vietnam” toàn bộ quá trình sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm, dịch vụ, làm chủ công nghệ, phát triển công nghệ để không chỉ sử dụng mà còn đóng góp công nghệ mới cho thế giới.

Cùng với đó, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam còn có nhiệm vụ nâng cao chất lượng tăng trưởng, đưa nền kinh tế lên các bậc thang cao hơn trong chuỗi giá trị. Đặc biệt, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ gánh trọng trách dẫn dắt tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.

Trên thực tế, cho đến nay vẫn có không ít người thắc mắc về thông điệp “Make in Vietnam” được Bộ TT&TT đưa ra và nhắc đến nhiều lần trong thời gian qua.

Tại sao Bộ TT&TT chọn

Bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT – Bộ TT&TT cho biết, từ cuối năm 2018, Bộ TT&TT đã tính tới việc cần phải có một slogan cho việc phát triển ngành công nghiệp ICT nước nhà.

Trong trao đổi với các cơ quan báo chí vào chiều qua, ngày 6/5/2019 tại sự kiện công bố Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, lý giải về sự xuất hiện thông điệp “Make in Vietnam”, bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT – Bộ TT&TT cho biết, từ cuối năm 2018, Bộ TT&TT đã tính tới việc cần phải có một slogan cho việc phát triển ngành công nghiệp ICT nước nhà.

Tại thời điểm đó, đã có nhiều ý kiến được đưa ra nhưng chưa được tính toán một cách thấu đáo, cụ thể. Cũng có nhiều phương án được đề xuất, chẳng hạn như học tập Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ hay Đài Loan các mô hình phát triển như: Made in Japan, Make in India... “Sau khi cân nhắc, chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất chọn thông điệp "Make in Vietnam" và được sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ TT&TT cũng như sự ủng hộ của cộng đồng các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp”, bà Tô Thị Thu Hương cho hay.

Lý giải rõ hơn về lý do Bộ TT&TT quyết định lựa chọn “Make in Vietnam” là thông điệp cho sự phát triển ngành công nghiệp ICT Việt Nam trong giai đoạn mới, bà Tô Thị Thu Hương chia sẻ, thông điệp “Make in Vietnam” nếu như lần đầu tiên đọc nhiều người ban đầu sẽ có cảm giác rằng cụm từ tiếng Anh này có gì đó sai sai, song cũng chính vì thế mà nó có hiệu ứng truyền thông.

“Bởi lẽ, vì cảm thấy sai mà mọi người sẽ phải đọc lại và khi đọc lại họ sẽ ngẫm, thấy rằng: nếu là “Made in Vietnam”, mang tính chất là sản xuất ở Việt Nam và không có sự chủ động. Còn thông điệp "Make in Vietnam”, làm tại Việt Nam sẽ hàm nghĩa người Việt Nam chủ động, sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm tại Việt Nam của người Việt Nam và phát triển, đóng góp vào công nghệ, phát triển cộng đồng công nghệ. Như vậy, cụm từ “Make in Vietnam” vừa tạo hiệu ứng truyền thông vừa thể hiện khát khao, mong muốn, sự chủ động của người Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ và phát triển công nghệ”, đại diện Vụ CNTT nhấn mạnh.

Thông tin thêm về quan điểm, nhận thức của Bộ TT&TT đối với nội hàm khái niệm doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, đại diện Vụ CNTT – Bộ TT&TT nêu, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện phát triển, sản xuất công nghệ, cung cấp các giải pháp, sản phẩm, dịch vụ công nghệ trong các lĩnh vực. Đó là các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển, sản xuất phần cứng điện tử, phần mềm, nội dung số (doanh nghiệp ICT truyền thống) như FPT, Viettel, VNPT, BKAV, CMC, VNG, MISA, VCCorp…; các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ như Foody, Lozi, Vntrip, TopCV, Monkey Junior,…; các doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu phát triển công nghệ như VinGroup, Genetica…