Biến khối lượng dữ liệu vô nghĩa thành thông tin giá trị

Nền tảng khai phá dữ liệu - Viettel Data Mining Platform vừa được Bộ TT&TT ra mắt ngày 18/12. Đây là nền tảng số “Make in Việt Nam” thứ 37 được Bộ TT&TT chọn giới thiệu trong “Ngày thứ Sáu công nghệ”, phục vụ cho Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Là nền tảng khai phá dữ liệu đầu tiên được phát triển bởi người Việt, cho doanh nghiệp tại Việt Nam với mức chi phí phù hợp so với các nền tảng nước ngoài, Viettel Data Mining Platform do Trung tâm Không gian mạng Viettel nghiên cứu, phát triển.

{keywords}
Theo Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Trọng Đường, trong 37 nền tảng số “Make in Việt Nam” đã được Bộ TT&TT chọn giới thiệu, Viettel có 4 nền tảng.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho biết, nếu như thời điểm năm 2005 mỗi giây trên thế giới tạo ra 100GB dữ liệu thì đến nay số dữ liệu sinh ra mỗi giây đã là 100TB, gấp 1.000 lần.  

Tuy thế, ông Đường cũng chỉ rõ, khối lượng dữ liệu khổng lồ đó chỉ thực sự có giá trị khi nó được ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) để phân tích, đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo AI vào để giúp đưa ra các quyết định, thông tin nhanh, chính xác, kịp thời. Khi đó, một khối lượng dữ liệu vô nghĩa đã trở thành có nghĩa, giá trị.

Theo đại diện Cục Tin học hóa, cùng với nền tảng trí tuệ nhân tạo Viettel AI Open Platform đã được giới thiệu trước đó, việc Trung tâm Không gian mạng Viettel công bố nền tảng khai pháp dữ liệu Viettel Data Mining đã hoàn thiện bộ công cụ giúp cho các cơ quan, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp chuyển đổi số sâu, chuyển đổi phương thức sản xuất, làm việc của mình.

“Chúng tôi khuyến khích các tập đoàn lớn đưa những công cụ tốt của mình ra thị trường để cộng đồng doanh nghiệp, người dân được sử dụng những tinh hoa trí tuệ Việt. Viettel là một trong những đơn vị đã và đang làm như vậy”, đại diện Cục Tin học hóa chia sẻ.

Ông Đặng Đức Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel cũng nhấn mạnh, dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu là một trong các yếu tố nền tảng quan trọng nhất của cuộc cách mạng 4.0 cũng như chuyển đổi số.

“Dữ liệu ngày nay được ví như “dầu mỏ”, trước đây, dầu mỏ được coi là tài nguyên quý giá nhất. Còn trong nền kinh tế số, dữ liệu là tài sản vô giá. Những công ty thuộc "câu lạc bộ" vốn hóa trên một nghìn tỷ USD - Google, Amazon, Microsoft, Apple - hay mạng xã hội lớn nhất thế giới, Facebook, đều làm giàu một phần dựa trên việc phân tích và khai thác nguồn tài nguyên dữ liệu số”, ông Thảo nêu dẫn chứng.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của các nền tảng khai pháp dữ liệu, đại diện lãnh đạo Trung tâm Không gian mạng Viettel cũng cho biết, hiện đã có nhiều nền tảng được phát triển trên thế giới như Google, RapidMiner, Microsoft, Databricks...

Tuy nhiên, các nền tảng khái pháp này thường tập trung việc xử lý dữ liệu ngôn ngữ tiếng Anh, không phù hợp với lượng dữ liệu ngôn ngữ và tiếng nói tiếng Việt, cạnh đó vấn đề làm chủ cũng như quản lý dữ liệu cũng là các vấn đề cần chú ý khi triển khai các nền tảng này.

Viettel Data Mining Platform hướng tới đáp ứng 2 nhu cầu tất yếu của các tổ chức, doanh nghiệp Việt trong quá trình chuyển đổi số, đó là: nhu cầu tích hợp, xử lý, đảm bảo an toàn an ninh thông tin lượng dữ liệu số hóa lớn và phân tán ở nhiều nguồn dữ liệu khác nhau vào một nền tảng chung; ứng dụng các công nghệ khai phá dữ liệu và trí thông minh nhân tạo để phân tích và tìm ra các thông tin hữu ích (hay còn gọi là insight của dữ liệu) nhằm hỗ trợ và tiến tới là dẫn dắt quá trình ra quyết định.

Thúc đẩy phát triển kinh tế số

Giới thiệu về giải pháp của Viettel, đại diện nhóm phát triển cho biết, Viettel Data Mining Platform cung cấp nền tảng để xây dựng các báo cáo quản trị doanh nghiệp theo thời gian thực giúp tối ưu thời gian và nguồn lực, thay cho việc phải tổng hợp thông tin thủ công từ nhiều nguồn khác nhau, giúp tăng 30% năng suất của nhân viên trong việc trích xuất thông tin và làm báo cáo.

Bên cạnh việc ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu, Viettel Data Mining Platform cũng đồng thời kết hợp với kiến thức ngành chuyên sâu như kinh doanh, tài chính, nhân sự, quản lý chất lượng… để giúp tối ưu vận hành trong doanh nghiệp.

Cụ thể, Viettel Data Mining Platform có khả năng dự báo dự đoán, phân tích rủi ro và phát hiện bất thường trong quản lý doanh nghiệp như: phát hiện gian lận tài chính, ngăn ngừa tai nạn lao động, tránh thất thoát tài sản vật tư, giảm thiểu hàng tồn kho…

Cùng với các thuật toán học máy thông minh, hệ thống sẽ đưa ra các khuyến nghị giúp cải tiến các nút thắt trong quy trình, đề xuất các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng của người lao động, tối ưu hóa lưu trữ và vận chuyển hàng hóa… qua đó giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, nâng cao năng suất lao động.

Trong kinh doanh, Viettel Data Mining Platform sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giám sát danh tiếng, phân tích thị hiếu khách hàng, phân tích giá cả, đưa ra chân dung khách hàng, phân tích để tìm ra tập khách hàng có đặc điểm chung, từ đó khuyến nghị khách hàng mua các sản phẩm, dịch vụ phù hợp.

Đại diện nhóm phát triển cũng khẳng định, Viettel Data Mining Platform sẽ ngày càng được hoàn thiện và được ứng dụng rộng rãi hơn trong các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số. Đặc biệt hơn, Viettel Data Mining Platform sẽ được phát triển riêng theo đặc thù dữ liệu và nhu cầu của mỗi doanh nghiệp nhằm đảm bảo khả năng phân tích chuyên sâu, phù hợp với quy mô và ngành nghề kinh doanh.

Vân Anh

Bộ TT&TT: Chuyển đổi số chỉ thành công khi toàn dân tham gia

Bộ TT&TT: Chuyển đổi số chỉ thành công khi toàn dân tham gia

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhận định: Chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia, nghĩa là công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng được phổ cập.