Nghiên cứu đưa nội dung CNTT, ATTTM cập nhật xu hướng cách mạng 4.0 vào chương trình đào tạo | Bộ TT&TT sẽ cùng Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đánh giá nhu cầu thị trường lao động CNTT

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ký kết Chương trình phối hợp công tác về tuyên truyền và ứng dụng CNTT giai đoạn 2018 – 2022 (Ảnh: Việt Cường)

Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ GD&ĐT và Bộ TT&TT về tuyên truyền và ứng dụng CNTT giai đoạn 2018 - 2022 được tổ chức chiều nay, ngày 14/12, tại Hà Nội.

Sự kiện có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ; Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn của 2 Bộ.

Chương trình phối hợp công tác về tuyên truyền và ứng dụng CNTT giai đoạn 2018 - 2022 vừa được người đứng đầu Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT ký kết nhằm tăng cường phối hợp công tác giữa hại bộ để thúc đẩy, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng CNTT, an toàn thông tin (ATTT) trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực CNTT đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động cả về số lượng và chất lượng.

Trong phát biểu tại lễ ký, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dưới Bộ có 50.000 doanh nghiệp, với doanh thu hàng năm khoảng 100 tỷ USD và số lao động có trình độ từ Cao đẳng trở lên khoảng trên 1 triệu người. “Đây là thị trường sử dụng sản phẩm của Bộ GD&ĐT rất nhiều. Do đó, giúp gì được Bộ GD&ĐT về bản chất là giúp chính mình và cuối cùng cũng là giúp đất nước phát triển”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, hợp tác giữa Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT ký kết hôm nay không phải quy chế mà là chỉ ra các việc cần làm. Chín việc đã được ghi rõ trong nội dung chương trình phối hợp công tác giữa Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT, theo Bộ trưởng, đều là những việc khả thi, rất cần thiết và đều nằm trong nguồn lực của hai bên. “Nếu người đứng đầu hai Bộ quyết tâm làm, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc thì kiểu gì cũng làm được”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Nghiên cứu đưa nội dung CNTT, ATTTM cập nhật xu hướng cách mạng 4.0 vào chương trình đào tạo | Bộ TT&TT sẽ cùng Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đánh giá nhu cầu thị trường lao động CNTT

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ GD&ĐT và Bộ TT&TT về tuyên truyền và ứng dụng CNTT giai đoạn 2018 - 2022 (Ảnh: Việt Cường)

Thống nhất với nhận định của người đứng đầu Bộ TT&TT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, chín việc Bộ GD&ĐT và Bộ TT&TT đã thống nhất trong chương trình phối hợp công tác về truyền thông và ứng dụng CNTT giai đoạn 2018 - 2022 đều là những việc rất thiết thực.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng bày tỏ sự tin tưởng  dưới sự chỉ đạo trực tiếp của hai Bộ trưởng, chương trình phối hợp công tác giữa Bộ GD&ĐT và Bộ TT&TT về truyền thông và ứng dụng CNTT giai đoạn 2018 - 2022 sẽ đạt hiệu quả thực tế. “Tôi nhất trí rằng chúng ta phải làm thật, 6 tháng phải tiến hành sơ kết một lần chương trình phối hợp. Đồng thời, cần lựa chọn những việc thiết thực nhất, khả thi nhất để làm trước”, Bộ trưởng chia sẻ.

Theo Chương trình phối hợp công tác mới ký kết, hai bên đã thống nhất sẽ phối hợp chỉ đạo đẩy mạnh triển khai Quyết định 150 ngày 21/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án truyền thông về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề”; Phối hợp chỉ đạo đẩy mạnh triển khai Quyết định 117 ngày 25/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”.

Thời gian tới, Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT cũng sẽ phối hợp xây dựng Kiến trúc chính phủ điện tử ngành GD&ĐT phiên bản 2.0; phối hợp thực hiện kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu giữa ngành GD&ĐT với các ngành khác và với các địa phương; Phối hợp triển khai các dịch vụ về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng; Phối hợp xây dựng, thẩm định và định kỳ rà soát, cập nhật ngân hàng câu hỏi thi quốc gia, phần mềm quản lý thi quốc gia và tổ chức thi, cấp chứng chỉ ứng dụng CNTT; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về tổ chức thi, quản lý và cấp chứng chỉ ứng dụng CNTT của các trung tâm sát hạch theo quy định tại Thông tư liên tịch 17 ngày 21/6/2016 giữa Bộ GD&ĐT và Bộ TT&TT quy định tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng CNTT.

Cùng với đó, hai bên còn phối hợp chỉ đạo lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CNTT đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế; phối hợp nghiên cứu chỉ đạo đưa nội dung CNTT, ATTT mạng cập nhật theo xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào chương trình giáo dục đào tạo phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo (từ trung học phổ thông trở lên); phối hợp triển khai Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020”, theo Quyết định 99 ngày 14/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp triển khai Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin đến năm 2020” theo Quyết định 893 ngày 19/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp định kỳ hàng năm tổ chức Cuộc thi quốc gia “Sinh viên với ATTT”, xây dựng các tài liệu tuyên truyền cho đối tượng học sinh, sinh viên.

Đặc biệt, Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực CNTT, ATTT phục vụ chuyển đổi số quốc gia, cách mạng công nghiệp 4.0, gắn công tác đào tạo với nhu cầu nhân lực CNTT của doanh nghiệp. Hàng năm, Bộ TT&TT cung cấp số liệu về yêu cầu đào tạo CNTT, ATTT để hai bên phối hợp nghiên cứu, đánh giá nhu cầu về thị trường lao động CNTT, hỗ trợ chuẩn hóa nội dung đào tạo.

Cũng trong thời gian tới, Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát việc xuất bản sách giáo khoa, xuất bản sách giáo khoa điện tử và sách tham khảo về an toàn thông tin mạng; Huy động sự tham gia đầu tư, hỗ trợ của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và CNTT trong và ngoài nước để thực hiện các nội dung trong Chương trình phối hợp; đồng thời, phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn Sở GD&ĐT, Sở TT&TT, các phương tiện thông tin truyền thông của địa phương tăng cường triển khai tuyên truyền nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy - học, kiểm tra, đánh giá.

Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT và Cục CNTT – Bộ GD&ĐT được giao là đơn vị đầu mối giúp lãnh đạo hai Bộ đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện các nội dung công việc trong Chương trình phối hợp công tác về truyền thông và ứng dụng CNTT giữa Bộ GD&ĐT và Bộ TT&TT giai đoạn 2018 - 2022.

Sở TT&TT, Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình phối hợp tại địa phương; định kỳ hàng năm trước ngày 10/12 gửi báo cáo kết quả thực hiện về Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT để tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện.