Thông tin nêu trên được Bộ TT&TT đưa ra tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 2/2019 của Bộ được tổ chức ngày 6/3 vừa qua. Bộ TT&TT cũng xác định rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm tháng 3/2019 là trình Chính phủ dự thảo Đề án thành lập Cục Công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông (Cục Công nghiệp ICT).

Bộ TT&TT sắp trình Đề án thành lập Cục Công nghiệp ICT | Sớm trình Đề án thành lập Cục Công nghiệp ICT | Bộ TT&TT sẽ trình Đề án thành lập Cục Công nghiệp ICT trong quý I/2019

Là lĩnh vực mới và quan trọng của Bộ TT&TT, Công nghiệp ICT bao gồm công nghiệp phần mềm, công nghiệp phần cứng, công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp nội dung số, công nghiệp về dịch vụ CNTT, công nghiệp an ninh mạng, và đặc biệt mới là công nghiệp 4.0. (Ảnh minh họa: Internet)

Trong phát biểu tại hội nghị công bố quyết định về công tác cán bộ lĩnh vực Công nghiệp ICT diễn ra hôm qua, ngày 8/3, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã cho biết, Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ 2019 của Đảng bộ Bộ TT&TT được tổ chức cùng ngày 8/3, đã đề ra rất nhiều nhiệm vụ, rất nhiều việc khó, rất nhiều khát vọng cho Bộ TT&TT, trong đó có lĩnh vực Công nghiệp ICT.

Nhấn mạnh Công nghiệp ICT là lĩnh vực mới và quan trọng của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, lĩnh vực Công nghiệp ICT mới được nâng lên thành một trong sáu lĩnh vực chủ đạo của Bộ, cùng với Bưu chính, Viễn thông, CNTT, An ninh mạng và Tuyên truyền.

Lĩnh vực Công nghiệp ICT thuộc trách nhiệm trực tiếp của Vụ CNTT, phụ trách Công nghiệp phần cứng, Công nghiệp phần mềm, Công nghiệp điện tử viễn thông, Công nghiệp nội dung số, Công nghiệp an ninh mạng, Công nghiệp dịch vụ CNTT và đặc biệt mới là Công nghiệp 4.0. Với sứ mệnh lớn, đảm trách nhiều nhiệm vụ quan trọng nên hiện Bộ TT&TT đam làm Đề án để chuyển đổi Vụ CNTT thành Cục Công nghiệp ICT.

Hiện nay, trong lĩnh vực ICT ở Việt Nam có khoảng gần 50.000 doanh nghiệp hiện đang hoạt động với doanh thu cỡ khoảng 100 tỷ USD. Mục tiêu sắp tới của Bộ TT&TT là muốn có khoảng 100.000 doanh nghiệp và thay vì lắp ráp, gia công thì chuyển hướng mới với những doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm Việt Nam, giải quyết bài toán Việt Nam và từ đó đi ra nước ngoài.

Trước đó, trong phát biểu định hướng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, Bộ TT&TT của chúng ta là một bộ về công nghệ, công nghiệp và dịch vụ trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và CNTT, hay còn gọi là ICT. Sứ mạng của nó là đưa ICT vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. ICT là nền tảng của kinh tế số, xã hội số, CMCN 4.0.

“Khởi nghiệp công nghệ, phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, làm chủ thiết kế, tích hợp và công nghệ lõi. Dùng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam, và từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ này sẽ đi ra toàn cầu. Công nghệ sinh ra là để giải quyết vấn đề, ở đâu có vấn đề là ở đó có công nghệ, có giải pháp. Vấn đề đang có ở mọi nơi, có thể là ngay chính trong công việc hàng ngày của mỗi chúng ta, và mỗi chúng ta có thể khởi nghiệp công nghệ để giải quyết chính bài toán của mình. Cuộc cách mạng toàn dân khởi nghiệp công nghệ sẽ giúp Việt Nam hoá Rồng, hoá Hổ. Doanh nghiệp công nghệ thì chủ yếu là trong lĩnh vực ICT. Bộ TT&TT phải đóng vai trò dẫn dắt trong cuộc cách mạng này”, Bộ trưởng khẳng định.

Cũng trong phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành TT&TT, nói về lĩnh vực Công nghiệp ICT, Bộ trưởng đã nhấn mạnh vào Công nghiệp điện tử viễn thông, Công nghiệp nội dung số và Công nghiệp 4.0.

Với Công nghiệp điện tử viễn thông, nhận định về cơ hội Việt Nam trở thành nhà sản xuất thiết bị điện tử viễn thông lớn của thế giới, Bộ trưởng cho biết, thế giới về cơ bản chỉ còn 4 Công ty sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông, gồm: Ericsson, Nokia và 2 Công ty Trung Quốc. Trung Quốc chiếm tới trên 60% thị phần, nhưng lại đang gặp khó khăn với Mỹ. Việt Nam hiện nay đã sản xuất được 70% các loại thiết bị viễn thông, với quyết tâm mức Chính phủ, chúng ta sẽ trở thành nước thứ 4 trên thế giới sản xuất được tất cả thiết bị viễn thông và xuất khẩu được, điều này chúng ta phải làm được trong năm 2019 - 2020. Các nhà mạng Việt Nam phải dùng thiết bị “Made in Vietnam” nếu giá và chất lượng tương đương. Đây là việc có ý nghĩa rất lớn vì hạ tầng của kinh tế số là mạng lưới viễn thông.

Về công nghiệp nội dung số, Bộ trưởng chỉ đạo, nội dung số phải chiếm 20 - 30% doanh thu của các nhà mạng, nhưng hiện nay mới chiếm 6-8%, là tỷ lệ quá thấp so với các nước. Cơ hội tăng trưởng ở đây còn 3 - 4 lần, doanh thu có thể đạt 3-4 tỷ USD. Vấn đề mấu chốt để tăng trưởng ngành công nghiệp nội dung số là chính sách phải tạo sự phát triển cho lĩnh vực này, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới vào Vietnam và doanh nghiệp Vietnam phải cùng một chính sách quản lý, không bảo hộ ngược, tỷ lệ ăn chia với nhà mạng phải khích lệ Công ty nội dung, hệ thống phân phối, thẻ nạp tiền của nhà mạng phải hỗ trợ thanh toán cho Công ty nội dung.

Đối với Công nghệ 4.0, Bộ trưởng cho biết, các công nghệ của công nghiệp 4.0 có thể được áp dụng trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa của đất nước. Phải có rất nhiều doanh nghiệp công nghệ Vietnam để thay đổi các lĩnh vực này bằng công nghệ, để đưa công nghệ công nghiệp 4.0 trở thành phổ cập ở Việt Nam.

“Bộ TT&TT sẽ thành lập bộ phận thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ, mà đầu tiên sẽ là các doanh nghiệp CNTT đi tiên phong trong lĩnh vực này. CMCN 4.0 cũng đòi hỏi sự thay đổi chính sách để chấp nhận các mô hình kinh doanh mới do các công nghệ mới sinh ra. Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ giao hợp tác với Diễn đàn kinh tế thế giới để thành lập Trung tâm CMCN 4.0 tại Việt Nam, lễ ký kết đã diễn ra tại Davos (Thụy Sỹ) tháng 1/2019 vừa qua, Trung tâm sẽ đi vào hoạt động năm 2019, đây là trung tâm hình thành các chính sách cho CMCN 4.0. Bộ cũng sẽ xin phép Chính phủ cách tiếp cận Sandbox trong lĩnh vực ICT, cho phép thử nghiệm những cái mới trong một không gian và thời gian nhất trước khi đưa ra chính sách quản lý”, Bộ trưởng thông tin thêm.