Bộ VHTT&DL cho biết, Đến khoảng giữa năm 2018, hầu hết các DVCTT mức độ 3,4 có thời gian giải quyết rất ngắn, đặc biệt với các thủ tục hành chính phát sinh nhiều hồ sơ từ người dân và doanh nghiệp.

Cũng theo báo cáo của Trung tâm CNTT-Bộ VHTT&DL, thời gian qua Bộ VHTT&DL đã xây dựng, duy trì vận hành ổn định Cổng thông tin điện tử của Bộ tại địa chỉ http://bvhttdl.gov.vn; đăng tải đẩy đủ các thông tin, các báo cáo tổng hợp, thống kê thuộc các lĩnh vực do Bộ quản lý, dự thảo văn bản cần xin ý kiến thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ.

DVCTT của Bộ VHTT&DL được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và tại hệ thống DVCTT của Bộ tại địa chỉ http://dichvucong.bvhttdl.gov.vn. Thống kê của Trung tâm CNTT - Bộ VHTT&DL cho thấy, Bộ đã cung cấp tổng cộng 36 DVCTT mức 3, 4. Đến khoảng giữa năm 2018, hầu hết các DVCTT mức độ 3,4 có thời gian giải quyết rất ngắn, đặc biệt với các thủ tục hành chính phát sinh nhiều hồ sơ từ người dân và doanh nghiệp như tại Cục Nghệ thuật biểu diễn và Cục Di sản văn hóa thời gian giải quyết trên môi trường mạng từ 5-13 ngày.

Theo chia sẻ của Trung tâm CNTT-Bộ VHTT&DL, việc cung cấp dịch vụ công trên môi trường mạng đã giúp giảm thiểu được số lần người dân và doanh nghiệp phải đến giao dịch trực tiếp tại cơ quan thực hiện thủ tục hành chính thuộc Bộ VHTT&DL. Trường hợp phải chỉnh sửa bổ sung hồ sơ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ đã gọi điện trao đổi và hướng dẫn cách thực hiện, hạn chế việc phải đi lại của người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hệ thống DVCTT của Bộ VHTT&DL đã kết nối thành công với hệ thống thông tin của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam làm tiền đề cho việc tiếp nhận và trả hồ sơ giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định 45 của Thủ tướng Chính phủ cũng giúp ích cho người dân và doanh nghiệp rất nhiều trong việc thực hiện thủ tục hành chính với các cơ quan của Bộ VHTT&DL.

Đối với việc ứng dụng CNTT trong nội bộ Bộ VHTT&DL, báo cáo của Trung tâm CNTT thuộc Bộ này cho hay, trong năm 2016 Bộ VHTT&DL đã hoàn thành kết nối, liên thông thành công phần mềm quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ. Năm ngoái, theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, Bộ VHTT&DL là 1 trong 2 bộ, ngành được lựa chọn thí điểm hoàn thiện kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản giữa Văn phòng Chính phủ với Bộ, tới các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ trên trục liên thông. Đến giữa năm nay, Bộ VHTT&DL đã hoàn thành nhiệm vụ liên thông hệ thống quản lý văn bản 4 cấp hành chính trên trục liên thông văn bản của VPCP phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ VHTT&DL.

Bộ VHTT&DL cũng đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ, các đơn vị có liên quan triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên ngành trên hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc để đảm bảo các văn bản điện tử gửi lên trục liên thông được ký số, cấp dấu thời gian sử dụng chứng thư số chuyên dùng Chính phủ.

Theo thống kê của Trung tâm CNTT-Bộ VHTT&DL, tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các đơn vị thuộc bộ, ngành, địa phương hoàn toàn dưới dạng điện tử là 30%; tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các đơn vị thuộc bộ, ngành, địa phương dưới dạng điện tử và song song với văn bản giấy là 65%; tỷ lệ giữa tổng số văn bản điện tử/ tổng số văn bản giấy là 53,47%.

Cùng với đó, hiện nay, yêu cầu sử dụng các phần mềm ứng dụng dùng chung phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ đã được triển khai đồng bộ tới toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Việc ứng dụng các phần mềm dùng chung này đã phát huy tác dụng trong hoạt động của các cơ quan đơn vị thuộc Bộ trong công tác giám sát, đôn đốc quá trình giải quyết công việc, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc thông qua ứng dụng CNTT. Các phần mềm ứng dụng cơ bản và chuyên ngành đã giúp chia sẻ, kết nối thông tin và liên kết trong xử lý, trao đổi dữ liệu giữa các cơ quan thuộc Bộ với nhau, giữa cơ quan, đơn vị với Lãnh đạo Bộ và giữa Bộ với Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.