CNTT ngày nay đang phát triển rất mạnh mẽ, len lỏi vào từng góc cạnh của đời sống, thậm chí là trong túi áo, túi quần mọi người cũng đều có vật dụng ứng dụng CNTT. Giờ đây nếu một ngày nào đó không có thiết bị CNTT, có lẽ chúng ta sẽ không chịu được. CNTT đang chi phối mọi hoạt động của xã hội và ngành Y tế cũng không đứng ngoài cuộc trong xu thế phát triển của CNTT.

Thời gian vừa qua, ngành y tế cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong ứng dụng CNTT quản lý ngành. Phải nói rằng, với hai năm 2016 - 2017, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã kết nối được 99,5 % cơ sở khám chữa bệnh với hệ thống giám định Bảo hiểm Y tế. “Trong khi đó Nhật Bản - Hàn Quốc mất khoảng 10 - 20 năm, Việt Nam chúng ta chỉ mất 2 năm để triển khai. Một mặt là do chúng ta làm sau, có kinh nghiệm, khắc phục được tất những tồn tại, hạn chế mà các nước triển khai trước đã gặp phải. Lý do thứ hai là hệ thống của chúng ta là hệ thống thống nhất tập quyền từ Trung ương đến địa phương. 95% hệ thống y tế của Việt Nam là công lập; trong khi tại Nhật, Hàn Quốc 90% hệ thống y tế là tư nhân”, ông Tường cho hay.

Ngành y tế đã tiếp cận CNTT từ rất sớm. Ngay từ những năm 2000, ngành y tế đã tiếp cận với CNTT và có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về CNTT, như thành lập Ban chỉ đạo khắc phục sự cố Y2K. Đến nay, có thể nói ngành y tế là một ngành có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tài liệu chuyên môn về ứng dụng CNTT đi sớm và tương đối đầy đủ.

Với Thông tư 54 ngày 29/12/2017 về ban hành bộ tiêu chí ứng dụng CNTT trong bệnh viện, Bộ Y tế đã đề cập đến 7 mức ứng dụng CNTT trong bệnh viện, trong đó mức 6 là bệnh viện thông minh, mức 7 là bệnh viên có thể sử dụng không giấy tờ nếu đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật. “Gần đây nhất Ban Kinh tế Trung ương vừa thành lập một Ban chỉ đạo xây dựng chính sách để tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong khi đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 54 về bộ tiêu chí ứng dụng CNTT trong bệnh viện, đưa ra dáng dấp của y tế thông minh.

Mới đây, ngành y tế tiếp tục thực hiện Đề án tin học hóa y tế cơ sở và đang có đề án hình thành hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý sức khỏe cá nhân thông qua ứng dụng CNTT. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng đã đạt được những thành tựu khác như về dịch vụ công, hiện Bộ Y tế có nhiều thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến, trong đó có 5-7 dịch vụ công đạt mức độ 4, hoàn toàn qua mạng; hầu hết các bệnh viện đều đã ứng dụng CNTT; 99,5% các xã/phường/thị trấn có ít nhất 1 máy tính; trong 11.600 xã/phường/thị trấn thì chỉ có 66 xã chưa có đường truyền Internet…

Mặc dù vậy, ứng dụng CNTT trong ngành y tế vẫn còn nhiều tồn tại, nhiều khó khăn thách thức cần vượt qua. Tuy nhận thức được tầm quan trọng của CNTT nhưng đầu tư cho CNTT chưa nhiều, chưa tương xứng.

Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Với bệnh viện sẽ tích cực thực hiện Thông tư 54 và Thông tư 49 (Y tế từ xa). Các sở y tế cần chỉ đạo các bệnh viện thực hiện sát Thông tư 54, mỗi năm lên 1 mức là tốt.

“Đối với y tế cơ sở, hiện chúng tôi đang xác định việc triển khai phần mềm quản lý tổng thể hoạt động của trạm y tế xã, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo đến năm 2020 phải bỏ sổ sách. Thứ hai là triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, hi vọng đến cuối năm 2018 đầu năm 2019 sẽ xong. Theo đó mỗi nguời dân là một bản ghi, họ tự đăng ký online và ở bất cứ đâu cũng theo dõi được. Thứ 3 là triển khai y tế điện tử. Các sở y tế cần chỉ đạo sát sao các xã phường. Trong năm nay sẽ triển khai thống kê y tế điện tử”, đại diện lãnh đạo Cục CNTT - Bộ Y tế cho hay.