Theo báo An ninh Thủ đô, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong, đại diện  Bộ Y tế trong buổi làm việc, đã đề nghị Facebook hợp tác, phối hợp trong việc quản lý tình trạng rao bán, quảng cáo trái pháp luật những sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người.

Quảng cáo thuốc

Một quảng cáo thuốc đông y trên Facebook cắt ghép hình ảnh từ một bản tin của VTV.

Hiện tình trạng quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng tràn lan trên Facebook. Đặc biệt, nhiều quảng cáo giả danh bác sĩ, bệnh viện, VTV để quảng cáo sản phẩm; quảng cáo thổi phồng công dụng của các sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng dù không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép…

Mặc dù cơ quan quản lý thường xuyên kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm, trong đó riêng trong năm 2018 đã phạt hành chính tới hơn 6 tỷ đồng nhưng vẫn xử lý không xuể. Trong khi đó, khi cơ quan quản lý Nhà nước gửi thông báo yêu cầu bóc gỡ thông tin, hình ảnh và tài khoản vi phạm, Facebook mất rất nhiều thời gian để đáp ứng.

Tại cuộc làm việc mới nhất với đại diện của Facebook, đại diện của Bộ Y tế đề nghị Facebook lập đường dây liên hệ trực tiếp với Bộ Y tế để có thể phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong quản lý các sản phẩm liên quan đến sức khỏe người dùng.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang phối hợp với các bộ, ngành hữu quan của Việt Nam để có tiếng nói mạnh mẽ, mang tính ràng buộc pháp lý ở tầm cao hơn để buộc Facebook hợp tác với Bộ Y tế trong quản lý nhằm ngăn chặn những quảng cáo sai sự thật, trái pháp luật trên mạng xã hội này.

Về phía người dùng, đại diện Bộ Y tế kêu gọi, khuyến cáo người dân cần thận trọng, không nên mua các sản phẩm thực phẩm chức năng, dược phẩm… quảng cáo trên mạng xã hội, đặt biệt là những sản phẩm quảng cáo dưới hình thức dùng thư tín bệnh nhân, hình ảnh cơ sở y tế, danh nghĩa cơ quan y tế, hình ảnh bác sĩ, hoặc quảng cáo có công dụng chữa bệnh thần kỳ…

Hồng Thúy