Trong số phần mềm được sử dụng tại Việt Nam, trung bình có gần 3/4 không có bản quyền, khiến dữ liệu gặp rủi ro và tạo ra những lỗ hổng đáng kể trong hệ thống phòng thủ an ninh mạng của Việt Nam.

Nhận định trên được ông Tarun Sawney, Giám đốc cấp cao của Liên minh phần mềm (BSA) khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đưa ra trong buổi họp báo hôm 22/10, công bố chiến dịch “Xóa bỏ phần mềm trái phép" tại Việt Nam.

Ông Tarun Sawney, Giám đốc cấp cao của Liên minh phần mềm (BSA) khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đang trình bày tại họp báo. Ảnh: H.Đ

Trả lời ICTnews, ông Tarun cho biết so với trung bình trên thế giới (37% phần mềm không bản quyền) tỷ lệ phần mềm vi phạm tại Việt Nam vẫn còn cao. Dù vậy, Việt Nam đang có tiến triển trong vấn đề này, đã giảm xuống 74% so với 78% vào năm 2015. 18 năm trước, tỷ lệ phần mềm vi phạm tại Việt Nam lên tới hơn 90%.

Việc có nhiều doanh nghiệp sử dụng phần mềm trái phép dẫn đến nguy cơ bị tấn công mạng nhiều hơn. Trên bình diện quốc gia, nước nào có tỷ lệ phần mềm lậu cao càng thu hút các cuộc tấn công mạng.

Tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, tỷ lệ phần mềm vi phạm là 57%, Thái Lan 66%, Indonesia hơn 80%.

“Như vậy có thể thấy Việt Nam cải thiện hơn một số nước và cũng kém một số nước khác trong vấn đề vi phạm phần mềm bản quyền”, ông Tarun trả lời ICTnews. Trên thế giới, Trung Quốc là nước có bước phát triển nhanh nhất khi 15 năm trước gần 100% phần mềm vi phạm nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 60% phần mềm lậu.

Tại Việt Nam, trong 6 tháng năm 2019, BSA tiếp cận khoảng 6.278 doanh nghiệp để tuyên truyền, có 1.358 công ty (tương đương 22%) chuyển qua sử dụng phần mềm có bản quyền. Ông Tarun cho biết tỷ lệ chuyển đổi này không tệ, tuy nhiên vẫn còn 78% doanh nghiệp chưa chuyển đổi vẫn còn cao.

Mặc dù vậy, vị đại diện BSA cho biết chính phủ Việt Nam đang nỗ lực trong đấu tranh với việc dùng phần mềm trái phép. Hồi năm 2018, Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch đã phạt 50 công ty dùng phần mềm lậu, tuy nhiên chỉ 9 tháng đầu năm 2019 đã có 85 trường hợp bị phạt. 

Sắp tới, chiến dịch “Xóa bỏ phần mềm trái phép" nhắm vào 10.000 công ty trên khắp Việt Nam được cho là có nguy cơ sử dụng phần mềm bẩt hợp pháp. Trong đó bao gồm các tập đoàn thuộc một loạt các lĩnh vực kinh doanh như sản xuất, xây dựng, ngân hàng và tài chính, kỹ thuật, kiến trúc, truyền thông, thiết kế, CNTT và y tế. Nhiều nhân viên trong số các công ty này sử dụng phần mềm không được cấp phép.

Việc sử dụng phần mềm không bản quyền khiến doanh nghiệp gia tăng nguy cơ bị tấn công mạng, mất dữ liệu, mất danh tiếng. Cùng với đó có nguy cơ đối diện với các vấn đề pháp lý. Bản thân các đơn vị sở hữu bản quyền cũng có thể kiện công ty vi phạm - phía BSA cảnh báo.

Ông Tarun dẫn số liệu từ IDC cho biết 78% các công ty sử dụng phần mềm không bản quyền có nguy cơ bị tấn công bởi các phần mềm độc hại. 54% giám đốc công nghệ của các công ty cho biết chuyển sang sử dụng phần mềm bản quyền cho công ty để giảm thiểu rủi ro an ninh mạng cho công ty.

Liên minh phần mềm (BSA) tin rằng để giải quyết vấn đề này sẽ đòi hỏi các CEO phải nỗ lực nghiêm túc để loại bỏ phầm mềm trái phép ra khỏi công ty. Cụ thể, BSA ra mắt chiến dịch mang tên “Xóa bỏ phần mềm trái phép" để khuyến khích các CEO hợp pháp hóa tài sản phẩn mềm doanh nghiệp của họ, tuân thủ pháp luật sở tại, luật Bản quyền và tuật An ninh mạng trước khi kết thúc năm 2019.