Giao hàng là khâu quan trọng trong chuỗi cung ứng thương mại điện tử. Ảnh minh họa: Internet

Tại buổi Tọa đàm “Thúc đẩy bưu chính phát triển bền vững: Khó khăn, vướng mắc và giải pháp” tổ chức tại Hà Nội vào sáng ngày 16/5/2019, có 7 trong số 11 doanh nghiệp bưu chính được lấy ý kiến khảo sát đồng ý việc cần thiết phải có một Hiệp hội doanh nghiệp bưu chính Việt Nam.

Bà Chu Thị Lan Hương, Phó Tổng giám đốc VietnamPost cho biết, bà nhất trí với chủ trương thành lập Hiệp hội doanh nghiệp bưu chính. Mặc dù chưa có Hiệp hội doanh nghiệp bưu chính, nhưng VietnamPost là thành viên của một số hiệp hội ngành nghề như Hiệp hội ngân hàng. Khi tham gia vào Hiệp hội ngân hàng, VietnamPost nhận thấy thu được nhiều lợi ích.

Bà Lan Hương cho hay, thời gian qua thị trường bưu chính có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Ví dụ, có một số doanh nghiệp cung cấp giá dưới giá thành, ảnh hưởng tới thị trường bưu chính. Một số doanh nghiệp lợi dụng mạng bưu chính để trục lợi khách hàng, với những doanh nghiệp này VietnamPost đưa vào danh sách đen để không cung cấp dịch vụ nữa. Trách nhiệm của doanh nghiệp bưu chính là bảo vệ thị trường, bảo vệ quyền lợi của người dân, của khách hàng sử dụng dịch vụ, đây cũng chính là vai trò của Hiệp hội.

Đại diện VietnamPost đề nghị cần nhanh chóng thành lập ban vận động thành lập Hiệp hội doanh nghiệp bưu chính. Khi tham gia vào Hiệp hội, các doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ bưu chính trên thị trường, bảo vệ quyền kinh doanh, bảo vệ khách hàng, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.

Đại diện cho Tổng công ty CP Bưu chính Viettel (ViettelPost) cũng đồng tình với ý kiến cần thành lập Hiệp hội doanh nghiệp bưu chính. Bà Chu Kim Thoa, Phó Tổng giám đốc ViettelPost chia sẻ, ViettelPost muốn đóng góp một phần vào mục tiêu chuyển đổi số của Chính phủ, cũng như mong muốn thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường bưu chính. Thương mại điện tử phát triển mang lại sự tăng trưởng bùng nổ của bưu chính, tuy nhiên thị trường bưu chính cũng gặp một số vấn đề như: cạnh tranh không lành mạnh; các doanh nghiệp tự đầu tư hạ tầng mạnh mún, rơi vào cảnh mạnh ai lấy làm, việc đầu tư manh mún này khiến khách hàng không được trải nghiệm những dịch vụ tốt nhất. ViettelPost cũng có những dự án đầu tư công nghệ vào trong chuỗi cung ứng dịch vụ bưu chính để phát triển dịch vụ cho thương mại điện tử, nhưng nếu ViettelPost đầu tư một mình vốn sẽ rất lớn, cần tới 3.000 – 5.000 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp bưu chính không hợp lực với nhau nên khi hội nhập quốc tế sẽ không có sức mạnh để làm việc. Thiếu một Hiệp hội kết nối các doanh nghiệp nên các văn bản pháp luật không được tiếp cận đầy đủ, bị động khi cơ quan nhà nước kiểm tra, hoặc chia sẻ thông tin về một số đối tượng trục lợi khách hàng. Việc thành lập Hiệp hội rất có lợi. Ví dụ, Hiệp hội thương mại điện tử thường xuyên có các buổi đào tạo cho các doanh nghiệp thành viên, hỗ trợ về truyền thông, các doanh nghiệp có thể tận dụng thế mạnh của nhau cùng phát triển.

Bà Chu Kim Thoa nêu ra việc các doanh nghiệp bưu chính có thể tính chuyện dùng chung cơ sở hạ tầng của nhau. Viettelpost có một cơ sở hạ tầng khai thác logistic ở Hà Nội có thể cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp khác. Hoặc hiện nay trên đường vận chuyển có một số xe bưu chính chạy về xe không, nên có thể kết hợp cung cấp dịch vụ cho các đơn vị khác, tránh lãng phí.

Theo đại diện của Hiệp hội thương mại điện tử, Việt Nam có quy mô thương mại điện tử khá khiêm tốn, chỉ đứng thứ 4 trong số 6 nước hàng đầu Đông Nam Á.

Với các đơn hàng lớn niềm tin của người tiêu dùng còn hạn chế, trong đó bưu chính chuyển phát đóng 1 khâu quan trọng của thương mại điện tử. Bưu chính chuyển phát đang đẩy nhanh việc giao hàng trong ngày, trong vài giờ, việc giao hàng nhanh giúp đảm bảo kích thích người tiêu dùng, giao hàng nhanh tăng hành vi mua sắm thương mại điện tử trong tương lai.

Cũng theo đại diện Hiệp hội thương mại điện tử, doanh nghiệp bưu chính hiện còn gặp những khó khăn như: Hạ tầng bưu chính, quản lý hành chính địa chỉ còn khá nhiều bất cập, khó khăn cho việc số hóa và ứng dụng CNTT trong hoạt động kinh doanh.

Nhà nước chưa có văn bản quản lý hướng dẫn việc kiểm tra hay xác định xuất xứ hàng hóa mua qua thương mại điện tử. Đây là việc rất cần thiết để giúp cho hàng hóa thương mại điện tử được lưu thông thuận lợi, nhất là đối với mua hàng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Các doanh nghiệp bưu chính cũng thiếu nguồn lực, nguồn vốn, thiếu đầu tư bài bản cho công nghệ quản lý kho bãi, quản lý hàng hóa nên chưa có các trung tâm hoàn tất đơn hàng theo chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển của thương mại điện tử trong việc xử lý đơn hàng, chia chọn.