{keywords}
Các cá nhân có thu nhập từ YouTube, Facebook có thể lựa chọn đóng thuế trên từng lần phát sinh. (Ảnh minh họa: Internet)

Thông tư 40 hướng dẫn thuế và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh và cá nhân vừa được Bộ Tài chính ban hành ngày 1/6 với nhiều nội dung mới, nhằm mở rộng cơ sở thuế đối với một số lĩnh vực kinh doanh của cá nhân chưa có quy định để điều chỉnh thu thuế phù hợp.

Ngoài quy định sàn thương mại điện tử phải kê khai và thu thuế thay cho các cá nhân bán hàng trên sàn đang được quan tâm, Thông tư cũng mở rộng phạm vi điều chỉnh với những cá nhân có phát sinh thu nhập trên môi trường mạng như chuyển nhượng tên miền hay thu nhập từ các nền tảng số. 

Cụ thể, quy định mới nêu rõ, từ ngày 1/8 tới, các đối tượng là cá nhân chuyển nhượng tên miền Internet quốc gia Việt Nam “.vn” và cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số nhưng không lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai sẽ thực hiện nộp thuế theo từng lần phát sinh. Cơ quan thuế cho hay việc kê khai phát sinh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân trong việc khai, nộp thuế. 

Về địa điểm kê khai và nộp thuế, các cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số thì nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế quản lý trực tiếp nơi cá nhân cư trú (thường trú hoặc tạm trú). 

Theo quy định mới, những tổ chức là đối tác tại Việt Nam của các nhà cung cấp nền tảng số ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam (có thỏa thuận thực hiện chi trả thu nhập cho cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số thông qua tổ chức đối tác tại Việt Nam) thì phải khai và nộp thay cho cá nhân trên toàn bộ doanh thu hợp tác kinh doanh. 

Quy định này tương tự như việc sàn thương mại điện tử phải kê khai và đóng thuế thay cho cá nhân bán hàng hay các nền tảng gọi xe phải kê khai đóng thuế thay cho tài xế. 

Doanh thu tính thuế là số tiền mà cá nhân nhận trực tiếp từ YouTube hoặc số tiền nhận từ đối tác là các mạng đa kênh (đối tác của YouTube tại Việt Nam) không được trừ chi phí trước khi tính thuế do không phải là doanh nghiệp.

Đối với cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số thì thời điểm xác định doanh thu tính thuế là thời điểm cá nhân thực nhận thu nhập. 

Trường hợp cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số mà nhà cung cấp nền tảng số ở nước ngoài thực hiện chi trả thông qua các đối tác tại Việt Nam thì thời điểm xác định doanh thu tính thuế là thời điểm tổ chức đối tác tại Việt Nam thực nhận khoản chi trả từ các nền tảng này. Mức thuế phải nộp là 7%, trong đó thuế Giá trị gia tăng (GTGT) là 5% và thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) 2%.

Trên thực tế, việc cá nhân kiếm tiền từ các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook hay Apple phải nộp thuế không phải là quy định mới.

Theo quy định tại Thông tư 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, các cá nhân có phát sinh thu nhập từ Google, Facebook, YouTube… trên 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế với mức thuế suất 5% thuế GTGT và 2% thuế TNCN dựa trên doanh thu tính thuế. Trong đó, doanh thu tính thuế là số tiền nhận trực tiếp từ YouTube hoặc số tiền nhận từ đối tác là các mạng đa kênh (đối tác của YouTube tại Việt Nam) mà không được trừ chi phí trước khi tính thuế do không phải là doanh nghiệp. 

Câu chuyện thu nhập của các YouTuber (người sáng tạo nội dung trên YouTube) cũng luôn là đề tài được nhiều người quan tâm khi các kênh YouTube có lượng người theo dõi lớn, bật kiếm tiền có thể kiếm được tiền tỉ mỗi năm. Đây đang là công việc thu hút rất nhiều đối tượng tham gia. 

Tuy nhiên, vấn đề quản lý (cả nội dung và thuế) với các đối tượng này vẫn có nhiều bất cập do hoạt động trên các nền tảng xuyên biên giới. Theo thống kê của cơ quan chức năng, Việt Nam có khoảng 15.000 kênh được bật nút kiếm tiền trên YouTube. Nhưng chỉ có khoảng 30% trong số đó chịu sự quản lý của các mạng đa kênh, có kê khai và nộp thuế.

Với quy định tại Thông tư 40, nếu không lựa chọn phương pháp kê khai, các cá nhân có thể chọn phương pháp đóng thuế dựa trên từng giao dịch phát sinh để cơ quan thuế có thể quản lý.

Duy Vũ

Sàn TMĐT phải kê khai, nộp thuế thay cá nhân: Người bán hàng online không còn cơ hội “né thuế”

Sàn TMĐT phải kê khai, nộp thuế thay cá nhân: Người bán hàng online không còn cơ hội “né thuế”

Các sàn thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế thay cho những người bán hàng từ 1/8. Doanh thu kê khai bao gồm tất cả dòng tiền từ các đơn hàng COD, chuyển khoản hay hình thức trung gian thanh toán.