Cả nước đã có hơn 14,2 triệu trường hợp được cấp số định danh cá nhân

Bộ Công an cho biết, sau khi tháo gỡ khó khăn trong triển khai giai đoạn 2 của Dự án cấp, quản lý Căn cước công dân, Bộ sẽ triển khai rộng rãi việc cấp số định danh cá nhân trên phạm vi toàn quốc (Ảnh minh họa: Internet)

Tại mục “Hỏi đáp trực tuyến” trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an (bocongan.gov.vn), một cử tri thành phố Đà Nẵng vừa đặt câu hỏi với Bộ Công an về việc triển khai cấp số định danh cá nhân trên toàn quốc.

Cử tri này nêu ý kiến: “Triển khai cấp số định danh cá nhân là điều mà mọi công dân mơ ước nhưng hiện nay tại Đà Nẵng vẫn chưa triển khai cấp số định danh cho người dân. Bộ Công an cho biết, khi nào người dân được cấp số định danh cá nhân? Việc cấp số định danh cá nhân đòi hỏi nguồn nhân lực trong lĩnh vực hộ tịch - hộ khẩu - chứng minh nhân dân phải có kiến thức về tin học. Tình hình chuẩn bị nhân lực, vật lực cho Đề án này như thế nào, năm 2019 có thể cấp số định danh cá nhân toàn quốc hay không?”.

Giải đáp thắc mắc trên của cử tri thành phố Đà Nẵng, Bộ Công an cho biết, thực hiện Luật Căn cước công dân năm 2014 và Luật Hộ tịch năm 2014, hiện nay Bộ Công an đang triển khai cấp mã số định danh cá nhân dưới nhiều hình thức khác nhau.

Cụ thể, Bộ Công an đã tổ chức cấp số định danh cá nhân cho công dân trên 12,5 triệu trường hợp thông qua công tác cấp Căn cước công dân tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Cùng với đó, thời gian qua, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh. Đến nay, đã tổ chức cấp trên 1,7 triệu trường hợp tại 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

“Như vậy, đối với người dân tại 16 tỉnh, thành phố nêu trên và trẻ em mới sinh đã được cấp số định danh cá nhân; các tỉnh còn lại sau khi tháo gỡ khó khăn trong triển khai giai đoạn 2 của Dự án cấp, quản lý Căn cước công dân sẽ triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc”, Bộ Công an thông tin.

Bộ Công an cũng cho hay, thực hiện Quyết định 896/QĐ-TTg ngày 8/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành “Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu (CSDL) có liên quan đến quản lý dân cư”, Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tập trung hoàn thiện các điều kiện để triển khai Đề án, cụ thể như: Hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ việc xây dựng CSDL quốc gia về dân cư; Tổ chức thí điểm thu thập thông tin dân cư và thí điểm triển khai phần mềm đăng ký quản lý cư trú;

Xây dựng phần mềm để triển khai kết nối giữa hệ thống cấp căn cước công dân và hệ thống cấp số định danh cá nhân quốc gia; Tiến hành rà soát, thống kê đơn vị hành chính, tổng số nhân, hộ khẩu; Củng cố hồ sơ, tài liệu về quản lý dân cư và kiện toàn đội ngũ cán bộ phục vụ triển khai dự án; Tổ chức Hội nghị toàn quốc và đào tạo báo cáo viên triển khai xây dựng CSDL quốc gia về dân cư trên phạm vi toàn quốc; Hướng dẫn Công an các địa phương tổ chức thu thập thông tin dân cư.

Hiện nay, Bộ Công an đang triển khai thu thập thông tin dân cư trên phạm vi toàn quốc và sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung liên quan để sớm hoàn thành việc xây dựng CSDL quốc gia, cấp số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật.

Sau khi thu thập, thông tin của công dân sẽ được cập nhật vào hệ thống CSDL quốc gia về dân cư và được gắn 1 mã số định danh cá nhân. Đây sẽ là mã số dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong CSDL quốc gia về dân cư với các CSDL chuyên ngành.

“Đề án đang được đăng ký bổ sung danh mục vốn trung hạn, giai đoạn 2016-2020 để triển khai một cách đồng bộ theo quy định tại Khoản 4 Điều 38 Luật Căn cước công dân, với thời hạn chậm nhất từ ngày 1/1/2020 phải thực hiện thống nhất theo quy định của Luật này”, Bộ Công an cho biết thêm.

Trước đó, trong báo cáo tình hình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử năm 2018, Văn phòng Chính phủ đã chỉ rõ, một trong những tồn tại, hạn chế là các CSDL quốc gia quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử trong đó có CSDL quốc gia về dân cư còn chậm triển khai dẫn đến việc chia sẻ, dùng chung các hệ thống thông tin chưa được thực hiện, làm ảnh hưởng đến triển khai Chính phủ điện tử.

Cũng tại báo cáo này, để thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử trong năm 2019, Văn phòng Chính phủ đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xây dựng CSDL quốc gia về dân cư và sớm trình Chính phủ Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 8/6/2013 theo Quyết định 896, Đề án tổng thể đơn giản thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các CSDL liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Đề án 896) hướng tới mục tiêu tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thông lệ quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời góp phần phát triển Chính phủ điện tử.