Có trách nhiệm với môi trường luôn là một phần quan trọng trong đối với những công ty công nghệ hiện nay. Bảo vệ môi trường cũng là lý do vì Apple đưa ra để bỏ bộ sạc đi kèm theo hộp dòng iPhone 12, và sau đó làm điều tương tự với các thiết bị cũ hơn vẫn đang bán.

Các hãng Android ban đầu đưa ra những lời chế nhạo Apple sau sự kiện ra mắt iPhone 12. Samsung, Xiaomi đều khẳng định máy của họ bán ra sẽ "không thiếu phụ kiện gì", một cách để châm chọc quyết định bỏ sạc của Apple.

rac thai dien tu anh 1

Xiaomi giới thiệu Mi 11 với tùy chọn có hoặc không củ sạc trong hộp, mức giá như nhau. Ảnh: Xiaomi

Tuy nhiên, những lời châm chọc đó về sau không còn ý nghĩa khi thế giới Android học theo Apple. Samsung nhiều khả năng bỏ sạc và tai nghe trên thế hệ Galaxy S21. Xiaomi thì khá hơn một chút khi ra mắt Mi 11 với phiên bản có hoặc không sạc, với mức giá như nhau.

Các hãng đang nhìn sai hướng?

Dường như các hãng điện thoại đang tập trung sai hướng khi đi tranh cãi về củ sạc điện thoại. Loại bỏ một phụ kiện sẽ chẳng đáng là bao so với lượng thiết bị được bán ra hàng năm.

Việc hàng loạt thiết bị di động mới được tung ra thị trường đồng nghĩa với việc có hàng triệu chiếc điện thoại di động cũ bị vứt bỏ vào thùng rác, thậm chí là bị chôn vùi vào lòng đất mỗi năm.

Thống kê của Global E-Waste cho thấy năm 2019 có tới 53,6 triệu tấn rác thải điện thoại như điện thoại, máy tính, đồ gia dụng bị thải loại, tăng 21% kể từ năm 2014.

rac thai dien tu anh 2

Những chiếc iPhone đời cũ bị thải loại rất khó để tái chế. Ảnh: CNBC

Theo khảo sát từ Gartner, một công ty tư vấn và nghiên cứu thông tin toàn cầu, trong năm 2018, thời gian trung bình để một người dùng nâng cấp dòng điện thoại của họ rơi vào khoảng 2 năm. Tuy nhiên, với sự ra đời của 5G sau đó, thời gian này đã bị rút ngắn đi. Chỉ tính riêng trong năm 2019, đã có gần 153 triệu chiếc điện thoại được bán ra thị trường.

"Chúng tôi không có khả năng thu gom toàn bộ những chiếc iPhone đời cũ và rồi tái chế chúng để sử dụng lại. Về mặt vật lý, điều đó là không thể", Kyle Wiens, giám đốc điều hành của iFixit, công ty sửa chữa đồ công nghệ tại Mỹ chia sẻ.

Trong khi đó, John Shegerian, giám đốc điều hành của công ty tái chế đồ điện tử toàn cầu ERI tin rằng việc xử lý các dòng điện thoại thông minh và máy tính bảng cũ là một thách thức lớn.

“Nhiều dòng sản phẩm máy tính bảng và điện thoại thông minh giờ đây thậm chí không còn một chiếc đinh vít nào nữa. Chúng được gắn bằng keo. Keo dính công nghiệp làm cho mọi thứ rất khó để tháo rời và phục hồi nguyên trạng vì điều đó sẽ làm giảm giá trị của chính hàng hóa”, ông chia sẻ.

Khó có lời giải trong ngắn hạn

Theo Global E-Waste, chỉ riêng tại Mỹ đã có khoảng 6,9 triệu tấn rác thải điện tử đã được thải ra trong năm 2019. Con số này có trọng lượng tương đương với 19 tòa nhà Empire State tại thành phố New York.

Trong số đó, chỉ có khoảng 15% được thu gom để tái chế. Ngoài ra, có một số khoáng chất và kim loại độc hại không có giá trị bị vứt bỏ.

rac thai dien tu anh 3

Rác thải điện tử xuất hiện ở mọi bãi rác trên toàn cầu. Ảnh: Getty

"Chúng ta đang ở thời điểm bắt đầu bùng nổ rác thải điện tử, khi mà các thiết bị dùng điện ở khắp nơi. Đầu tiên là các loại đồ chơi, sau dịp Giáng sinh bạn sẽ thấy có rất nhiều thứ dùng pin hoặc cắm điện. Ngoài ra còn nhiều thứ khác như điện thoại, TV, máy tính", Ruediger Kuehr, một trong những tác giả nghiên cứu của Global E-Waste năm 2019 chia sẻ.

"Các công ty làm rất tốt việc thiết kế sản phẩm mang lại sự thỏa mãn, nhưng việc nhu cầu người dùng thay đổi quá nhanh khiến các thiết kế nhanh chóng trở nên lỗi thời. Sản phẩm hiện đại nhất ngày hôm nay sẽ trở thành rác thải điện tử trong tương lai", Scott Cassel, nhà sáng lập tổ chức Product Stewardship Institute nhận xét.

Tạo ra một chiếc điện thoại di động có tuổi đời nhiều năm là một thách thức lớn và đòi hỏi nhiều yếu tố khác nhau. Cho đến khi điện thoại có thể sử dụng cả chục năm mà không bị lỗi thời, Apple, Google, Samsung hay bất kỳ công ty công nghệ nào khác cần phải hành động quyết liệt hơn nhằm khắc phục các vấn đề về rác thải điện tử.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng nên có trách nhiệm hơn khi sử dụng hay thải loại các thiết bị di động.

"Không chỉ có đại dương đang bị nhựa xâm lấn. Những mảnh đất của chúng ta cũng đang dần đầy rác thải điện tử", ông Cassel chia sẻ.

(Theo Zing)

Mới hôm trước còn chế nhạo Apple, nay cả làng Android lại chạy theo trào lưu bỏ củ sạc

Mới hôm trước còn chế nhạo Apple, nay cả làng Android lại chạy theo trào lưu bỏ củ sạc

Khi Apple ra mắt series iPhone 12 vào giữa tháng 10, họ một mặt bị người tiêu dùng chỉ trích nặng nề, mặt khác bị các hãng đối thủ thừa nước đục thả câu ra sức chế nhạo trên mạng xã hội.